Tăng giá trị các loài thủy sản nuôi
Hiện nay, Bình Thuận có diện tích nuôi thủy sản nước lợ khoảng 900 ha. Trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Tuy Phong 320 ha, Hàm Thuận Nam 145 ha, Hàm Tân 256 ha, thị xã La Gi 117 ha... Đối tượng nuôi chính là tôm chân trắng với trên 800 ha, còn lại là các đối tượng khác như cua, cá chẽm, cá chim, ốc hương. Năng suất tôm nuôi bình quân đạt khoảng 10 tấn/ha.
Nuôi tôm chân trắng trong vài năm trở lại đây có sự chững lại và phân hóa rất rõ rệt. Ở những hệ thống ao nuôi có đầu tư bài bản đã cho kết quả rất khả quan về năng suất cũng như hiệu quả kinh tế. Ngược lại, ở những hệ thống ao nuôi có cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu đầu tư đã không thành công. Hệ thống ao này đa phần bỏ trống, một số ít chuyển sang nuôi quảng canh và nuôi các đối tượng nước lợ khác. Ngoài ra, hiện Bình Thuận có 6 khu vực nuôi thủy sản ở biển ven bờ, ven đảo với 96 hộ nuôi/2.160 lồng nuôi. Riêng ở Phú Quý có 11 hồ chắn để nuôi hải sản được xây dựng bằng đá và xi măng ở ngay bờ biển.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hiện nay diện tích nuôi tôm hàng năm có phần giảm. Thay vào đó, người dân chuyển sang nuôi các loài thủy sản nước mặn - lợ khác như cua, cá chẽm, cá chim, ốc hương có xu hướng tăng lên. Riêng một số hộ dân vẫn tiếp tục nuôi tôm theo hướng công nghiệp, có sự đầu tư bài bản. Những mô hình nuôi hướng công nghiệp này đòi hỏi phải là những hộ dân có nguồn tài chính ổn định, mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng. Mặt khác, kịp thời học hỏi và tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào quy trình nuôi như nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học và hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất; nuôi tôm trong ao trải bạt qua 2 giai đoạn; tôm theo quy trình bán Biofloc…
Khuyến ngư phát triển nuôi thủy sản
Để phát triển nuôi thủy sản nước mặn, lợ, hàng năm Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng từ 1-2 mô hình, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm. Trong đó phải kể đến việc phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình nuôi bán thâm canh trong ao đất lót bạt, hướng VietGAP hoặc công nghệ Biofloc. Nhờ đó, năng suất tôm nuôi liên tục được cải thiện tích cực, từ bán thâm canh ở mức 5-7 tấn/ha, tới thâm canh đạt 10-15 tấn/ha. Ngoài ra, các đối tượng nuôi nước mặn chủ lực khác đã chuyển giao như cua, cá chim vây vàng, cá chẽm, cá mú, bào ngư. Các mô hình này chủ lực là nuôi trên biển, một số mô hình gần đây nuôi trong các ao tôm nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản nước mặn, lợ có giá trị kinh tế.
Ông Nguyễn Tám - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá: Nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ đã tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho ngư dân địa phương các vùng ven biển, hải đảo. Mặt khác, các mô hình khuyến ngư nuôi thủy sản nước mặn, lợ hướng đến các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, hải đặc sản biển như cá mú, tôm hùm, bào ngư, đáp ứng nhu cầu thị trường. Khu vực nuôi lồng bè cũng đang từng bước hình thành địa điểm dịch vụ tham quan du lịch.
Tuy vậy, cũng phải thừa nhận, vùng nuôi an toàn của tỉnh còn rất hạn chế về số lượng và cả chất lượng. Nhất là việc kiểm soát môi trường vùng nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Khi tôm cá nuôi bị bệnh không có diện tích để di chuyển lồng ra xa, hoặc đi nơi khác. Người nuôi đa phần không đủ thiết bị, hạ tầng để tách nuôi riêng kịp thời, khống chế dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, con giống thả nuôi chủ yếu mua ngoài tỉnh nên khó khăn trong vận chuyển, giá thành cao hoặc một số loại giống đánh bắt từ tự nhiên nên không chủ động về số lượng, đồng đều kích cỡ và đảm bảo chất lượng. Quan trọng nữa là hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa có sự liên kết chuỗi sản xuất, người nuôi thường bị ép cấp, ép giá. Chưa có nhiều cơ sở thương lái lớn thu mua số lượng lớn để xuất khẩu.
Trước những khó khăn đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đề xuất cần có hệ thống giải pháp đồng bộ về chính sách, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển thị trường đầu tư. Song song, quản lý môi trường và dịch bệnh. Hạn chế thức ăn cá tạp, phát triển mạnh thức ăn công nghiệp...