Theo dõi trên

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch, thông minh

04/01/2018, 16:46

BT- Sáng 4-1, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh thành, tổng kết ngành NN&PTNT năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018. Chủ trì và chỉ đạo tại hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đồng chí Nguyễn Xuân Cường- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng chủ trì hội nghị. Tại đầu cầu tỉnh Bình Thuận có sự tham dự của Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam và đại diện các sở, ban ngành liên quan.

                
      Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Bình Thuận

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm 2017 ngành nông nghiệp triển khai kế hoạch trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức như  biến đổi khí hậu phức tạp gây nhiều hình thái thời tiết dị thường, thiên tai bão, lũ xảy ra liên tiếp quanh năm, trên khắp cả nước ; thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại, cạnh tranh gay gắt…Mặc dù vậy, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm 2016. Kết quả này là sự nỗ lực lớn của ngành trong bối cảnh khó khăn, thiên tai chồng chất và cơ bản đạt mục tiêu đề ra.

Mặt khác, cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn. Bộ đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo chặt chẽ mùa vụ, bố trí cơ cấu giống, cơ cấu sản xuất theo hướng phát huy lợi thế của địa phương, vùng miền gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với thời tiết khí hậu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; khẩn trương khôi phục lại sản xuất sau thiên tai; tăng cường kiểm soát và phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, sản lượng nhiều loại nông sản tăng mạnh trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, đáp ứng dồi dào nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cơ cấu sản phẩm đã chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi. Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 36,37 tỷ USD (đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 13% so với năm 2016); thặng dư thương mại đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2016.

Riêng tỉnh Bình Thuận, năm 2017 tình hình sản xuất nông nghiệp có thuận lợi hơn năm trước, nhưng tình hình dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi diễn biến phức tạp, giá cả nông sản thiếu ổn định, kinh phí ngân sách đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng có khó khăn đã ảnh hưởng đến sự chỉ đạo điều hành chung của Ngành. Tuy nhiên, kết quả các mặt hoạt động của ngành cơ bản ổn định, nhiều chỉ tiêu chủ yếu dự ước đạt kế hoạch đề ra. Điển hình, sản lượng lương thực 834.780 tấn/KH 782.000 tấn, đạt 106,8% KH, tăng 15,3% so năm 2016; trồng rừng tập trung 2.700 ha/KH 2.000 ha, đạt 135% KH; Sản lượng hải sản khai thác: 212.070 tấn/KH 204.000 tấn, đạt 104% KH… Năm 2018, ngành nông nghiệp tỉnhđịnh hướng tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tập trung đối với các cây trồng lợi thế của tỉnh như thanh long và các loại nông sản hàng hóa có giá trị khác. Chú trọng thâm canh tăng năng suất, phát triển sản xuất lúa chất lượng cao, gắn với đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hoá. Năm 2018, diện tích thanh long 28.200 ha, có 9.800 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng đạt 590.000 tấn…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ biểu dương Bộ NN&PTNT, các địa phương trong cả nước và bà con nông dân, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã tham gia phát triển nông nghiệp, giúp ngành đạt được nhiều thành tích trong bối cảnh biến đổi khí hậu sâu sắc. Tuy vậy, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, những thành tích trên mới chỉ là bước đầu, trong khi ngành NN&PTNT vẫn còn có nhiều bất cập như tái cơ cấu nông nghiệp chưa mạnh mẽ, đồng đều; vi phạm trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn lớn như đánh bắt hải sản bất hợp pháp còn xảy ra, tình trạng phá rừng tự nhiên; năng suất lao động còn thấp, tình trạng sản xuất nông nghiệp còn bị động, được mùa mất giá. Đặc biệt, đời sống nông dân còn bộ phận không nhỏ những ngư dân, diêm dân, đặc biệt vùng thiên tai lũ lụt, vùng núi, cùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn vô cùng khó khăn. Hạ tầng nông nghiệp chưa được đầu tư, quan tâm thích đáng…

Về phương hướng và nhiệm vụ của năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngay từ đầu năm, toàn ngành cần tổ chức triển khai đồng bộ các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Các địa phương và toàn ngành nông nghiệp phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của toàn Đảng. Trong đó đề nghị toàn ngành, cả hệ thống phục vụ nông nghiệp, nông thôn quán triệt phương châm hành động, thực sự vào cuộc ở tất cả các cấp; đổi mới mới tư duy lại sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch thông minh và tạo chuyển biến rõ nét, thực chất hơn nữa. Đặc biệt là cơ cấu giữa chăn nuôi và trồng trọt, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng và vật nuôi khác hiệu quả cao hơn. Nhân rộng các mô hình sáng tạo, cách làm hay của nhiều doanh nghiệp và nông dân tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, xây dựng các mô hình hợp tác chia sẻ kinh nghiệp, hợp tác của bà con nông dân…

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch, thông minh