Theo dõi trên

Phát triển trồng cỏ và chăn nuôi bò thịt cao sản tại Bình Thuận:  Gỡ khó cho ngành chăn nuôi

09/04/2018, 08:35

Bài 1: Nghề… thiếu bền vững?

BT - Cục thống kê Bình Thuận cho biết, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng toàn tỉnh năm 2017 chỉ đạt 7.666 tấn/12.003 con, trọng lượng bình quân xuất chuồng 182,5 kg/con.  Ngoài ra, việc trồng cỏ chăn nuôi nhằm giải quyết thức ăn cho đàn bò tuy phát triển nhưng chưa nhiều, từ đó đàn bò phát triển thiếu ổn định, bền vững.

         
   

      

         Phát triển chăn nuôi bò tại Hàm Thuận Bắc.

Trồng cỏ, nuôi bò - nghề nhàn rỗi?

Gần chục năm nay, gia đình ông Hùng (xã Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc) sinh sống chủ yếu dựa vào việc chăm sóc vài trăm trụ thanh long và nuôi 4-5 con bò cái. Công việc hàng ngày của ông là sáng sớm thả bò ra khoảng đất trống trước nhà, đi cắt cỏ, cành thanh long quanh vườn cho bò ăn; cuối ngày lại chậm rãi đi thu gom phân bò về ủ hoai để dành bón gốc cây trồng. Số phân ủ hoai sau khi sử dụng dư, ông Hùng bán cho các hộ dân xung quanh để thêm tiền trang  trải cuộc sống. Chia sẻ về nghề… nuôi bò, ông Hùng cho biết: “Mấy năm trước, giá bò hơi cao, đạt từ 100-110 ngàn đồng/kg, nhưng hai, ba năm trở lại đây, giá tụt giảm, hiện ở mức khoảng 80 ngàn đồng/kg bò thịt và 90 ngàn đồng/kg bò giống. Do vậy, nhiều người chăn nuôi thua lỗ, chỉ nuôi cầm cự trong thời gian nhàn rỗi. Gia đình tôi, mỗi năm phát triển thêm vài con bê con, coi như làm lời”.

    
  
         Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, tổng đàn bò của tỉnh đến cuối năm 2017    có 163.730 con, được phân bố rải rác ở các huyện. Trong đó, địa    phương nuôi nhiều nhất là Hàm Thuận Nam gần 17.000 con, Hàm Tân gần    15.000 con, Bắc Bình 57.944 con…
  

Việc chăn nuôi bò, cùng với phát triển đàn, đảm bảo thức ăn và an toàn dịch bệnh, vấn đề giá cả, đầu ra đang được người nuôi quan tâm nhất. Đơn cử giá bò thương phẩm bán ra dịp gần đây xuống thấp, khiến không ít người nuôi lao đao. Đó cũng là tình hình chung của các hộ chăn nuôi bò nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc nói riêng và Bình Thuận nói chung.

Thiếu diện tích trồng cỏ

Để phát triển chăn nuôi bò hiệu quả, thức ăn thô là yếu tố hết sức quan trọng, nhất là đối với đàn bò thịt cao sản. Tuy nhiên, hiện nay nguồn thức ăn cung cấp cho đàn bò chủ yếu dựa vào cỏ tự nhiên và tận dụng các nguồn phế phụ phẩm trồng trọt. Trước tình hình thiếu nguồn thức ăn cho gia súc, hiện một số địa phương đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cỏ chăn nuôi bò. Điển hình, hiện nay huyện Bắc Bình đã trồng được 850 ha, Hàm Tân 363 ha, Tuy Phong 77,8 ha… Diện tích trồng cỏ chủ yếu quy mô nhỏ, khoảng 0,3-0,5 ha từ đất vườn, đất lúa kém hiệu quả... Mới đây nhất, vào cuối tháng 3/2018, chúng tôi đã có dịp đến thăm vườn cỏ VA06 của hộ ông Nguyễn Anh Tuân (xã Bình Tân, huyện Bắc Bình) vào dịp thu hoạch. Ông Tuân chia sẻ: “Năng suất cỏ VA06 trên đất cát xã Bình Tân cắt lần đầu đạt bình quân 113 tấn/ha/lần cắt. Với giá bán cỏ tươi bình quân 600 đồng/kg, trừ các chi phí đầu tư, tổng doanh thu 1 lần cắt gần 68 triệu đồng/ha và lãi thuần trên 35 triệu đồng/ha”.

Rõ ràng, mặc dù hiệu quả trồng cỏ khá cao, nhưng diện tích trồng cỏ vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi. Bình Thuận, với tổng đàn bò tương đối lớn, nhu cầu thức ăn thô xanh cần 1.793.000 tấn/năm (bình quân thức ăn thô xanh cho bò là 30 kg/con/ngày). Muốn đáp ứng đủ, cần phát triển 7.000 ha diện tích trồng cỏ.

Từ những tiềm năng, thế mạnh và những tồn tại này, hiện UBND tỉnh đã trình Thường trực HĐND tỉnh, đề nghị xây dựng nghị quyết về “Chính sách hỗ trợ phát triển trồng cỏ và chăn nuôi bò thịt cao sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2025”. Qua đó, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất, nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và làm giàu từ nghề chăn nuôi bò thịt cao sản. Từ đó, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bò bền vững và ổn định…

 Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển trồng cỏ và chăn nuôi bò thịt cao sản tại Bình Thuận:  Gỡ khó cho ngành chăn nuôi