Cuộc họp do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan đến vụ việc của Trường Thanh Nguyên. Sau khi nghe các bên báo cáo và thảo luận, Phó Bí thư Thường trực đánh giá: quyết định phá sản đúng sai chưa rõ cần có thời gian rà soát, tuy nhiên việc thực hiện theo quyết định phá sản như xảy ra tại Trường Thanh Nguyên chiều 23/3, trong thời điểm học sinh tan trường và phụ huynh đến đón các em là không phù hợp, gây bức xúc trong giáo viên, phụ huynh và xã hội.
“Sự việc cho thấy các cơ quan liên quan đã có nhiều khuyết điểm, thiếu sót,khi không lường trước sự việc phát sinh và cần nghiêm túc kiểm điểm, xử lý” Phó Bí thư Thường trực yêu cầu.
“Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là ổn định việc học hành của các em học sinh, cũng như ổn định tư tưởng phụ huynh và giáo viên được an tâm, không để việc học gián đoạn” Phó Bí thư Thường trực nhấn mạnh.
Về quyết định phá sản của Trường Thanh Nguyên, Phó Bí thư Thường trực đã giao Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, kiểm sát việc tuân thủ pháp luật đối với bản án phá sản của Tòa án TP. Phan Thiết, đồng thời cùng với Tòa án tỉnh nghiên cứu đề xuất giải pháp phù hợp, với mục tiêu chung là ổn định việc học của học sinh đến hết năm học 2016 – 2017, sau đólãnh đạo tỉnh sẽ có các bướcchỉ đạo tiếp theo.
Phó Bí thư Thường trực cũng giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp xác minh, kiểm tra có kết luận về việc gây mất an ninh trật tự tại Trường Thanh Nguyên. Trong đó có việc sử dụng công cụ hỗ trợ, còng người. “Ai sai phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”. Đồng thời, Chủ trì cuộc họp cũng giao Sở Tư pháp phối hợp,làm việc với các cơ quan liên quan kiểm tra lại trình tự thực hiện bản án phá sản của Tòa án Phan Thiết.
Ngoài ra, giao UBND TP. Phan Thiết cùng với Sở Giáo dục làm việc với Trường Thanh Nguyên thông báo chủ trương của tỉnh, qua đó ổn định tư tưởng đội ngũ giáo viên, việc học hành của học sinh đến khi kết thúc năm học 2016 - 2017.
Toàn bộ diễn biến “lùm xùm” vụ việc -Sự việc “lùm xùm” liên quan đến các cổ đông và nguồn vốn để xây dựng, hình thành nên trường Thanh Nguyên xảy ra kéo dài trong nhiều năm nay. Ngày 10/10/2014, Tòa án tỉnh có bản án phúc thẩm buộc Công ty TNHH Thanh Nguyên (chủ sở hữu trường Thanh Nguyên) phải trả nợ cho ông Nguyễn Đức Quang (ngụ TP.HCM) hơn 117,6 tỷ đồng. Cùng với số tiền của ông Quang, đến nay xác định tổng số tiền mà Thanh Nguyên nợ của tổ chức, cá nhân là hơn 177 tỷ đồng. -Sau 1 năm, công ty không trả cho ông Quang, nên ngày 2/11/2015, ông Quang có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, đối với Công ty Thanh Nguyên. Sau khi triển khai các thủ tục, trình tự theo quy định, Tòa án TP. Phan Thiết đã ban hành quyết định số 01/2017/QĐ-TBPS ngày 18/01/2017 tuyên bố phá sản đối vối Công ty Thanh Nguyên. -Ngày 6/2/2017, bà Đoàn Thị Dung, Giám đốc Công ty Thanh Nguyên có đơn yêu cầu xem xét lại quyết định phá sản số 01 ngày 18/1/2017 của Tòa Phan Thiết. -Ngày 2/3/2017, Tòa án tỉnh mở phiên họp và ra quyết định không chấp nhận yêu cầu xem xét lại tuyên bố phá sản đối với Công ty Thanh Nguyên. -Ngày 10/2/2017, Chấp hành viên Chi cục Thi hành án Phan Thiết (Chi cục THA) ban hành văn bản giao quản tài viên Trần Đăng Minh quản lý, thanh lý tài sản theo chỉ định của Tòa Phan Thiết. -Ngày 16/3/2017, Chi cục THA Phan Thiết có văn bản xin ý kiến Cục THA dân sự tỉnh chỉ đạo về nghiệp vụ thi hành Quyết định số 01 của Tòa Phan Thiết. -Trong khi chờ hướng dẫn nghiệp vụ, ngày 20/3, quản tài viên Trần Đăng Minh có văn bản đề nghị Chi cục THA Phan Thiết phối hợp hỗ trợ thi hành quyết định, sau đó Chi cục THA cử chấp hành viên trực tiếp thụ lý giải quyết tham gia. -Chiều ngày 23/3/2017, Quản tài viên Trần Đăng Minh, Chấp hành viên chi cục THA Phan Thiết, Đại diện VKS TP. Phan Thiết, Phòng Giáo dục và Đào tạo, lực lượng vệ sĩ do quản tài viên thuê đến Trường Thanh Nguyên yêu cầu Giám đốc Công ty Thanh Nguyên bàn giao tài sản và tài liệu liên quan theo quyết định phá sản. Sau đó sự việc xảy ra như phản ánh trong những ngày gần đây. |
Phúc Sinh– Trần Huỳnh