Về phía tỉnh, cùng dự có các đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh; Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh; Bố Thị Xuân Linh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh; Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh; đại diện lãnh đạo sở ngành chức năng, Huyện ủy, UBND huyện Phú Quý.
Tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Lê Quang Vinh báo cáo với đoàn công tác QH về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của huyện. Nhiều năm qua, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, nỗ lực các cấp chính quyền địa phương, kết cấu hạ tầng trên địa bàn cơ bản đã được xây dựng hoàn thiện, góp phần phát triển kinh tế, xã hội huyện nhà, nâng cao đời sống nhân dân. Toàn huyện đã có 1.560 tàu thuyền khai thác hải sản; trong đó 580 chiếc công suất từ 90 CV/chiếc trở lên, chuyên đánh bắt, làm dịch vụ thu mua hải sản xa bờ. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm của huyện đạt trên 30.000 tấn. Huyện cũng đã hình thành 80 tổ tàu thuyền đoàn kết/530 tàu đánh bắt vùng biển xa, hỗ trợ giúp đỡ nhau các sự cố, rủi ro trên biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hơn 5 năm nay chưa có tàu cá đánh bắt xa bờ vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong khi đó 89 tàu được đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, phần đông hoạt động hiệu quả.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp duy trì ổn định với 3 cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền, cơ bản đáp ứng sửa chữa 100% tàu thuyền nhỏ dưới 90CV và khoảng 30% tàu trên 90CV của huyện. Công tác quản lý, sử dụng nguồn nước ngầm được tăng cường; toàn huyện có 67,68% số hộ sử dụng nước sạch và 99% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Hoạt động thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu phục vụ đánh bắt xa bờ, kinh doanh, mua sắm của người dân, du khách.
Trong khi đó, hệ thống năng lượng gồm điện Diesel, điện gió, tổng công suất trên 16 MW cơ bản đáp ứng điện 24/24h, đảm bảo điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của gần 30.000 dân trên đảo. Các công trình hạ tầng thủy sản được Trung ương quan tâm đầu tư như cảng biển đang tiếp tục được nâng cấp, mở rộng; thi công hoàn thành khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Phú Quý - giai đoạn 1…
Lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế được quan tâm đầu tư. Trung tâm Y tế Quân dân y huyện hiện có 70 giường bệnh (quy mô đến 500 giường trong điều kiện cấp thiết), 3 trạm y tế đạt chuẩn y tế quốc gia đảm bảo khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ở đảo. Công tác quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững ổn định.
Tuy nhiên, huyện vẫn còn một số khó khăn nhất định, cũng như ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu đối với đảo, Chủ tịch UBND huyện Lê Quang Vinh đã nêu các kiến nghị với Đoàn công tác của Quốc hội. Cụ thể, Quốc hội quan tâm đầu tư Kè chống xâm thực, bảo vệ bờ biển phía Bắc đảo; đầu tư xây dựng các dự án hồ chứa nước ngọt tại huyện Phú Quý; bổ sung quy hoạch sân bay tại đảo Phú Quý đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Phú Quý đề xuất sự có mặt thường xuyên của lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam tại những vùng biển chồng lấn quốc tế để đảm bảo sự an toàn của ngư dân khi khai thác vùng biển xa. Quốc hội hướng dẫn thực hiện Điều 72, 73, chương IV Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 về chính quyền địa phương ở hải đảo để các cấp chính quyền ở hải đảo cả nước nói chung, đảo Phú Quý nói riêng triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp thực tiễn.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đề nghị Quốc hội quan tâm đầu tư 2 dự án là kè chống sạt lở phía Bắc đảo, các hồ chứa nước góp phần cho đảo phát triển khai thác hải sản, du lịch, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo của huyện đảo Phú Quý trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng thời gian qua. Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá tiềm năng kinh tế biển Phú Quý rất lớn, do đó huyện cần tập trung rà soát, đề xuất quy hoạch vùng nuôi phù hợp; sắp xếp lại khu vực nuôi tại Phú Quý, mở rộng diện tích nuôi trên biển, tạo điều kiện cho mô hình nuôi kết hợp với dịch vụ lồng bè phát triển.
Huyện cần tập trung vận động, kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Phú Quý, các công trình hạ tầng thương mại theo quy hoạch được phê duyệt nhằm thu hút đầu tư mới, di dời các cơ sở chế biến trong khu dân cư vào cụm công nghiệp tập trung, phát triển bảo quản, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá... Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các lực lượng chức năng quản lý sát sao từ việc tiếp nhiên liệu cho các tàu, thuyền; bảo đảm công tác hậu cần, dịch vụ nghề cá; sắp xếp các phương tiện vận chuyển hàng hóa trật tự, bảo đảm việc lưu thông thuận lợi.
Phó Chủ tịch Quốc hội đồng ý việc xây dựng kè chống sạt lở phía Bắc đảo, huyện cần xây dựng dự án cụ thể, di dời dân khu vực sạt lở, xây các hồ chứa nước chứa ngọt trên đảo. Hiện nay nguồn nước ngầm và từ các hồ chứa mới chỉ đủ cung cấp nước sạch cho khoảng 70% người dân trên đảo. Còn lại phải dùng nước từ nguồn giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa. Gần đây, kinh doanh dịch vụ, du lịch, chế biến thủy sản ở huyện đảo phát triển khá mạnh nên nhu cầu nguồn nước ngọt ngày càng cao, đòi hỏi đảo cần thêm nhiều hồ trữ nước bổ sung, hạn chế khai thác nước ngầm… Với các kiến nghị của huyện, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Đoàn công tác tổng hợp trình Quốc hội, Chính phủ xem xét.