Nông dân Hàm Thuận Bắc chăm sóc lúa hè thu. |
Đề phòng sâu bệnh lây lan
Ông Lê Công Hoàng - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh) cho biết, hầu hết các trà lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, chuẩn bị làm đòng. Các dịch hại chính là đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông sau này. Riêng các trà lúa từ 40 - 45 ngày, thường bị bạc lá lúa do vi khuẩn xâm nhập… do đó bà con cần phát hiện sớm để phòng trừ. Đặc biệt, một số trà lúa gieo cấy trễ, sau tháng 6 khu vực nước trời cần chú ý bọ trĩ sẽ gây hại trong điều kiện thiếu nước. Hiện nay các loại ốc bươu vàng, bọ trĩ gây hại rải rác không đáng kể trên lúa hè thu. Đặc biệt, ốc bươu vàng gây hại trên diện tích nhiễm là 247 ha, giảm 121 ha so cùng kỳ năm 2017, chủ yếu ở huyện Tánh Linh, Tuy Phong. Theo ông Hoàng, vào đầu tháng 7 khả năng sẽ xảy ra hạn “bà chằn”, nên bà con cần chú ý trong quá trình xuống giống, tránh thiệt hại.
Bên cạnh xuống giống lúa vụ hè thu, hiện nay một số diện tích thanh long tại Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc đang có nguy cơ nhiễm sâu bệnh trong mùa mưa. Đặc biệt, bệnh đốm nâu xuất hiện với diện tích nhiễm là 863 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ. Tuy nhiên, trong tuần qua do ảnh hưởng bão gây mưa nhiều nơi nên diện tích bệnh đốm nâu tăng so tuần trước 234 ha. Riêng diện tích nhiễm bệnh thối rễ, tóp cành 286 ha, tăng 156 ha so cùng kỳ năm 2017. Các sâu bệnh gây hại khác phân bố rải rác, cục bộ trên toàn vùng trồng thanh long.
Tuân thủ phòng trừ
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, để lúa vụ hè thu đạt kết quả cao, nông dân cần chú ý bọ trĩ, ốc bươu vàng phát sinh và gây hại vào giai đoạn mạ; sâu cuốn lá, rầy nâu đạo ôn lá, bạc lá lúa, đốm vằn phát sinh và gây hại vào giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng - trổ. Đồng thời khuyến cáo nông dân cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm các loại sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Phòng trừ bọ trĩ, ốc bươu vàng gây hại giai đoạn mạ, cần quản lý tốt nguồn nước trong ruộng. Bệnh đạo ôn gia tăng do bón nhiều đạm và kết hợp với lượng đạm do mưa đầu mùa, hạn chế bón đạm nhiều. Mặt khác, các địa phương phải theo dõi sát diễn biến sâu bệnh trên đồng ruộng, tình hình rầy vào đèn, nếu mật số rầy nâu > 3 con/tép (trên 1.500 con/m2) thì tiến hành phòng trừ kịp thời, phun các loại thuốc đặc trị trừ rầy và phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.
Riêng cây thanh long, thời tiết đã bắt đầu chuyển mùa nên nhiệt độ và cường độ nắng giảm, xuất hiện mưa nhiều hơn, bệnh nám vàng cành, thối cành, thối rễ teo tóp cành có xu hướng giảm. Bệnh đốm nâu, thán thư, thối cành có xu hướng phát triển và gây hại mạnh, sên nhớt, sên nhỏ, ốc ma gây hại trên hoa và trái non sẽ gia tăng. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện cần tăng cường theo dõi sát diễn biến bệnh trên vườn; tuyên truyền, phổ biến “Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh đốm nâu hại thanh long” cho người dân biết và áp dụng. Quản lý tốt ốc ma, sên nhớt, sên nhỏ gây hại trên hoa và trái non bằng biện pháp vệ sinh vườn sạch cỏ dại và rải thuốc trừ ốc vào buổi chiều tối.
K.Hằng