Theo dõi trên

Phú Quý - đảo ngọc giữa trùng dương

23/04/2021, 09:21

Kỳ 1: Tháng tư trên đảo tiền tiêu

BT- Bởi một cơ duyên gắn với nghề viết lách mà tôi đến đảo Phú Quý nhiều lần. Tôi có nhiều người thân quen, bạn bè thương thuộc ở đây. Và hòn đảo giữa trùng dương này luôn cuốn hút tôi, có cơ hội là tôi vác ba lô lên tàu ngay. Mỗi lần như vậy tôi đều “thấy” đảo ở một góc nhìn khác, dù hình thể của đảo lúc rõ mồn một là con cá thu to lớn, hay con rồng cuộn mình (đầu là núi Cao Cát, đuôi là hòn Ðen, hòn Ðỏ), hay con cá voi khổng lồ vừa trồi lên nếu nhìn từ phía tây nam, dù hình gì đi nữa thì trong tôi, đảo Phú Quý luôn là một viên ngọc lớn, quý giá và thương thuộc vô cùng.

Những câu chuyện địa danh

Chiếc tàu Phú Quý Express rời cảng, tàu tải trọng trên 300 khách và hơn chục tấn hàng này nhanh chóng ra khỏi khu vực cảng và dần tăng tốc. Biển tháng tư êm ả, xanh thẳm. Vùng biển có những con sóng đầu bạc nhỏ rượt đuổi nhau trong bờ qua nhanh, giờ chỉ còn những gợn xanh đậm, biển khơi êm in sắc trời xanh luôn mang lại cảm giác đầy ắp, nước không còn là nước nữa, nó như một thứ mật sóng sánh. Nhìn con tàu hiện đại, bề thế lướt đi phăm phăm trên biển tôi thật sự mừng cho bà con ở đảo. Còn nhớ ngày trước đi viết về thuyền trưởng Phan Minh Toàn với chiếc Bình Thuận 16 công suất 550 mã lực, chúng tôi phải đi hơn 6 giờ mới tới đảo. Với khoảng cách 56 hải lý, giờ con tàu hiện đại này chỉ chạy khoảng 2 giờ 10 phút là  đến. Vui trong lòng, tôi bắt chuyện, làm quen hỏi han nhiều người trên boong tàu. Đa phần họ là những người dân được sinh ra và lớn lên trên đảo. Chúng tôi nói chuyện nhiều về những cái tên đảo từ xa xưa tới giờ.

Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, Phú Quý (Poulo cecir de mer) có nhiều tên gọi khác như Cổ Long (Koh-Rong), Thuận Tịnh, Cù Lao Khoai Xứ, Cù Lao Thu, Vu Đảo, Tổng Hạ, đảo Chín Làng, Hòn Lớn… Tôi đã hỏi han tìm hiểu từ nhiều người, nhiều nguồn thì những tên gọi trên đều có vài cách giải thích:

Tên Cổ Long ghi trong quyển “Đảo Phú Quý, những chặng đường lịch sử” gây tranh cãi nhiều  nhất vì ở đảo ít người biết, trong khi theo “Đại Nam thực lục” thì có một đảo Cổ Long ở Hà Tiên. Tên gọi Cổ Long theo vài người trên tàu thì có thể liên quan đến di tích mộ Thầy.  Chuyện kể rằng vào năm 1623, có thầy thiên văn, địa lý rất giỏi giang, phi thường gọi là thầy Nại, cùng đoàn tùy tùng giong thuyền ngang qua đảo. Ông đã quan sát kỹ và cho rằng đây là vùng đất đặc biệt tốt về phong thủy, hậu vận hòn đảo này sẽ phát đạt vượt bậc. Ông chỉ cho đệ tử trên thuyền thấy hình một con rồng lớn đang cuộn mình với núi Cao Cát là đầu rồng, mũi Mom là rún rồng, hòn Đen, hòn Giữa, hòn Đỏ là đuôi rồng. Ông dặn những tùy tùng thân tín nhất rằng khi ông qua đời dù là đang ở đâu cũng phải mang về mũi Mom này để an táng.

Sau này, theo lời kể của ông từ Trần Thanh Phong, hiện đang trông coi mộ Thầy, tôi biết thêm nhiều chi tiết. Thầy Nại qua đời ngày 4/4/1653, chẳng biết ở đâu nhưng đoàn tùy tùng mang “nhục thể” của thầy tới nơi chôn cất theo di nguyện trong đêm 10/4/1653. Sáng hôm sau, dân làng còn thấy trên đá một cái mâm đồng đen và vật lễ là một đầu heo, đất chôn còn mới, tàn nhang vẫn còn âm ấm. Các đêm sau đó, dân làng thấy một vệt sáng lớn dịch chuyển trên mũi Mom nên nghĩ thầy linh thiêng. Dân làng lập am thờ tạm, rồi sau lập thành đền thờ chính thức vào năm 1665. Từ đó đảo có tên là Cổ Long, mũi Mom được gọi là mộ Thầy…

Tên Cù Lao Thu thì nôm na chỉ hình dáng đảo giống con cá thu (cũng có ý giải thích đây là ngư trường đánh bắt cá thu)…

Từ niên hiệu Thiệu Trị thứ IV (1844), đảo được đổi tên từ Tổng Hạ thành Tổng Phú Quý trực thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận.

Tuy từng có nhiều tên gọi khác nhau nhưng ngày nay người ta chỉ gọi và dùng trên văn bản tên chính thức là đảo Phú Quý.

Với hơn 2 giờ đồng hồ, tàu chúng tôi cập cảng Phú Quý. Khu vực cảng cũng chính là khu chợ cá nằm ngay cửa ngõ Tam Thanh. Tôi bước lên khỏi tàu, dừng lại quan sát một vòng và thật sự sửng sốt trước sự phát triển quá nhanh chóng ở đây. 

Ký ức tháng tư

Nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên trên đảo tiền tiêu Phú Quý đã tạo cảm giác về sự đủ đầy, khang trang. Em Ngô Văn Linh (Huấn), một bạn trẻ làm du lịch đã chở tôi đi dọc con đường 27 Tháng 4, đây là tên đường kỷ niệm ngày giải phóng đảo. Ngày đầu tiên tôi nghỉ ngơi tại khách sạn Hải Long, đây là khách sạn khá sang trọng, lễ tân tiếp khách niềm nở mà giá lại rẻ không ngờ.

 Tôi rất may mắn khi quen anh Hà Sông Lô, anh chính là người chấp bút biên soạn “Đảo Phú Quý, những chặng đường lịch sử” và cũng là con rể của nhân vật lịch sử Trần Nghĩa. Năm 1977, anh Hà Sông Lô được quân đội tăng cường ra đây và kết hôn với thiếu úy công an Trần Thị Kim Phượng. Cha và anh của chị Phượng đều là liệt sĩ, mẹ chị Phượng được phong Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Câu chuyện của gia đình này gắn liền với những ký ức tháng tư hào hùng và bi tráng trên đảo tiền tiêu này.

Đảo Phú Quý là một vị trí chiến lược quan trọng trên vùng lãnh hải phía Nam. Trong chiến dịch mùa xuân 1975, sau khi “lá chắn” Phan Rang tan rã, ngày 19/4, Bình Thuận được giải phóng, ngày 23/4, Bình Tuy được giải phóng, nhưng riêng đảo Phú Quý thì phải đến 27/4, quân giải phóng mới làm chủ hoàn toàn khu vực nha hành chính và cả 3 xã.

Anh Hà Sông Lô rót thêm một lượt trà mời tôi và nhà báo Dương Hồng Lâm, giọng kể của anh chìm đắm trong một vùng ký ức bi tráng, ký ức tháng tư:

…Trước đó, vào ngày 22/4, nghe tin Bình Thuận đã được giải phóng, cha chúng tôi (tức ông Trần Nghĩa) và anh trai cùng một số thanh niên ở xã Long Hải đã tập họp thành một đội. Lúc bấy giờ, lực lượng nghĩa quân và phòng vệ dân sự của địch vẫn còn nguyên vẹn đội hình phòng thủ. Sau khi cướp được một số vũ khí của địch, đội của cha tôi đã đem cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra cắm trên mỏm đá cao. Địch phát hiện và ngay lập tức đem quân đến bao vây trấn áp. Tất cả đã bị bắt. Cha, anh tôi và một số thanh niên nữa bị bắn chết ngay tại chỗ…

Nghe xong, chúng tôi ai cũng ngậm ngùi. Đây chỉ là lực lượng tự phát tại chỗ, họ cũng thật không ngờ việc xuất quân từ đất liền ra giải phóng đảo lại gặp trục trặc. Ngày 26/4/1975, đoàn quân giải phóng đảo Phú Quý mới xuất quân từ bờ biển Bình Thạnh, Tuy Phong.

5 giờ sáng ngày 27/4/1975, tiếng súng tấn công đã vang lên cùng lúc trên cả 3 xã. Mũi tấn công vào xã Ngũ Phụng do đồng chí Nguyễn Tự dẫn đường. Mũi tấn công vào xã Tam Thanh do 2 đồng chí Trần Dần, Ngô Sáu dẫn đường. Mũi tấn công vào Long Hải do đồng chí Nguyễn Thông dẫn đường. Sau 1 ngày chống trả ác liệt, cuối cùng địch cũng buông súng đầu hàng, ta hoàn toàn làm chủ nha hành chính và toàn đảo.

Ngày thứ nhất bước chân lên đảo lần này để lại cho tôi những ấn tượng khó phai, những tên gọi và truyền thống hào hùng của những người con đảo Phú Quý giúp tôi hiểu sâu hơn về hòn đảo ngọc mà mình yêu quý.

Bút ký củaNGUYỄN HIỆP



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phú Quý - đảo ngọc giữa trùng dương