Xâm phạm lãnh hải nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng. Ảnh: N.Lân |
Ngăn chặn kịp thời
Nếu năm 2017, Phú Quý có 3/8 tàu cá toàn tỉnh xâm phạm lãnh hải nước ngoài, thì sang năm 2018, 2019 tình trạng này ở Phú Quý đã dứt hẳn. Mặc dù không còn tình trạng tàu thuyền xâm phạm lãnh hải, nhưng cuối tháng 2/2018, qua công tác trinh sát, Đồn Biên phòng Phú Quý đã phát hiện, đấu tranh và ngăn chặn kịp thời 3 tàu cá tại huyện chuẩn bị xuất bến đi khai thác hải sản tại vùng biển nước ngoài. Mới đây, vào tháng 3/2020, Chi cục Thủy sản Bình Thuận thông báo có 4 tàu cá huyện Phú Quý có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài qua theo dõi hành trình giám sát. UBND huyện Phú Quý đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND các xã lập biên bản, yêu cầu người nhà cùng phối hợp kêu gọi thuyền trưởng quay về vùng biển Việt Nam. Các chủ tàu đã nghiêm túc thực hiện đưa tàu quay về vùng biển nước mình.
Để đạt được kết quả này, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành. UBND huyện Phú Quý đã chỉ đạo UBND các xã, các ngành liên quan tích cực triển khai bằng nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân trong huyện khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, khai thác không khai báo và không theo quy định trên địa bàn huyện; tuyên truyền, quán triệt Luật Thủy sản và các nghị định có liên quan đến tận ngư dân. Đồng thời chỉ đạo nghiêm túc nội dung Công văn số 215 của UBND tỉnh về việc khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện chống khai thác IUU theo ý kiến kết luận của Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu trên địa bàn huyện Phú Quý. Ngoài ra, còn phối hợp với Chi cục Thủy sản Bình Thuận tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền Luật Thủy sản và các văn bản có liên quan cho ngư dân huyện Phú Quý với trên 300 đại diện chủ thuyền tham dự. Mặt trận các đoàn thể, UBND các xã đã lồng ghép tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên và toàn thể nhân dân vào các sinh hoạt, tiếp xúc cử tri…
Cần thống nhất ranh giới lãnh thổ
Bên cạnh công tác tuyên truyền, ngành chức năng huyện còn kiểm soát chặt chẽ thủ tục xuất bến đối với các tàu cá tham gia khai thác trên vùng biển xa, phải bảo đảm là chủ tàu và thuyền trưởng đã chấp hành ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài trước khi xuất bến. Phối hợp nắm thông tin và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức, cá nhân hoạt động móc nối, hình thành đường dây chuộc tàu cá, làm hồ sơ giả hoặc đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, nhất là đối với các trường hợp tái phạm. Ngoài ra, vận động một số chủ tàu thuyền chuyển đổi ngành nghề có hiệu quả và hoạt động không có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài như mành chụp, mành lùi… và đã có trên 40 trường hợp tái cơ cấu chuyển đổi ngành nghề khai thác có hiệu quả hơn.
Đặc biệt, về công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, huyện Phú Quý là địa phương thực hiện công tác này tốt nhất tỉnh với tỷ lệ tàu thuyền lắp đặt đạt gần 96% (455/476 tàu đã lắp đặt, trong đó còn một số ít tàu thuyền chưa tham gia khai thác, một số bỏ bờ và một số cháy, chìm chưa được xóa bộ). Tuy nhiên, theo ngư dân địa phương khi thiết bị giám sát hành trình hoạt động trên biển thì nảy sinh sự chưa đồng bộ về bản đồ ranh giới lãnh thổ Việt Nam trên biển. Phó Chủ tịch UBND huyện Tạ Minh Nhựt cho biết, khi Chi cục Thủy sản thông báo tàu cá huyện Phú Quý có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài, các cơ quan, ban ngành huyện đến để làm việc và tuyên truyền về hành vi vi phạm, thì được gia đình chủ tàu chứng minh là tàu cá đang khai thác trong vùng biển Việt Nam (điện thoại được lắp đặt phần mềm kết nối), nên đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý và tuyên truyền của địa phương. Hiện nay các thiết bị giám sát của các hãng khác nhau với quy định ranh giới vùng biển Việt Nam cũng khác nhau, chưa có sự đồng bộ. Vì vậy các ngành chức năng chưa có cơ sở xử lý hành vi vi phạm của các chủ tàu này, chủ yếu nhắc nhở và yêu cầu cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản – Huỳnh Quang Huy cho biết, toàn bộ hệ thống bản đồ đã được thống nhất giữa các nhà mạng. Phần mềm giám sát của chi cục sẽ là cơ sở pháp lý để xử lý những trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Phạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng nếu khai thác hải sản bất hợp pháp Theo quy định tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực từ ngày 5/7/2019, chủ tàu cá sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên, khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn, hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn, sẽ bị phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng… |
Minh Vân