- Con uống gì? Sương sa nhé! Hay mủ trôm?
- Bà cho con ly mủ trôm Vĩnh Hảo!
Bàn tay bà thoăn thoắt cho mủ trôm vào ly, trộn thêm hạt é, thêm đường, thêm đá… trông thật thuần thục. Bà bảo: Làm món mủ trôm không khó, nhưng cần cẩn thận, tỉ mỉ. Chọn những cục mủ trôm to như ngón tay cái trong vắt, khô khốc và cứng như đá, đem ngâm vào nước ấm chừng 3-4 ngày sẽ nở ra thành chất uống tự nhiên. Muốn tăng vị đậm đà cho món mủ trôm thì cho thêm hạt é, sương sâm, mủ gòn, hạt lựu…Thật lạ, món mủ trôm chẳng phải thứ cao lương mỹ vị nhưng cũng nồng thơm, tác dụng thanh nhiệt tuyệt vời.
Nhớ lại khoảng thời gian cách đây mươi năm, vào những buổi chiều, mẹ hay dẫn tôi ra chợ quê. Chợ họp đông đúc lắm, có bán rất nhiều hàng hóa, thực phẩm, rau củ, lại bán nhiều quần áo, quà bánh làm tôi vô cùng thích thú. Ngày ấy, những ly mủ trôm chỉ có vài ngàn đồng, cứ thế, tôi sà vào hàng quán, hai mắt lim dim thưởng thức ly mủ trôm. Thứ quà quê ấy làm tôi mê mẩn.
Năm nào về ăn tết, cứ mùng 3 tết là mẹ tôi đi chợ đầu năm. Cùng với rau xanh, cá tươi, mẹ mua rất nhiều những món đặc sản cho tôi mang theo vào thành phố làm quà biếu. Mua về, cả nhà quây quần phân thành từng gói, mẹ cười bảo: Mủ trôm thế này chứ vào đến thành phố quý lắm đây!. Món quà này sẽ giới thiệu đến bạn bè một chút gì đó về quê hương Tuy Phong của mình.
Hình như ông trời cũng không đến nỗi quá bất công khi tạo ra cái vùng đất mệnh danh “nắng và gió”. Khắc nghiệt vậy, nhưng bù lại quê tôi lại là xứ sở của cây trôm xanh ngát, ngút ngàn trên những triền đồi. Cây trôm giống như người dân quê tôi vậy, sức sống thật kiên cường. Mọc trên vùng đất khô cằn sỏi đá, quanh năm chống chịu với khí hậu khắc nghiệt, vậy mà vẫn vươn lên xanh tốt, sinh sôi nảy nở để cho ra những giọt mủ trôm tinh khiết nhất cho đời. Nhớ đến món mủ trôm đậm đà là nhớ tới hình ảnh các người cha, người mẹ lưng áo đẫm mồ hôi, quần quật chăm sóc, nuôi dưỡng từng cây trôm từ khi mới vừa nảy hạt, đâm chồi. Mỗi khi nhấm nháp hương vị của nó, tôi lại thấy yêu, gắn bó hơn với mảnh đất quê hương…
Minh Chiến