Số vụ mua bán, tàng trữ, sử dụng các chất ma túy được phát hiện ngày càng tăng, phương thức và thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh và sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ. Điều đáng nói ở đây là tình hình tội phạm và người sử dụng ma túy có chiều hướng tăng lên. Theo thống kê của ngành chức năng, đến thời điểm này trên địa bàn thành phố có khoảng 802 đối tượng nghiện ma túy, trong đó đối tượng nghiện heroin là 332 người, ma túy tổng hợp 395 người, cần sa 50 người, sử dụng nhiều loại ma túy là 25 người.
Phần lớn số đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy là các con nghiện, để có tiền sử dụng ma túy đối tượng vào TP. Hồ Chí Minh mua ma túy về phân nhỏ bán lẻ cho các con nghiện, ma túy đối tượng sử dụng chủ yếu là cần sa, heroin và ma túy tổng hợp (ma túy đá). Địa bàn mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép ma túy xảy ra ở các phường, xã trong thành phố, thời gian gần đây còn nổi lên việc mua bán, sử dụng trái phép ma túy tại các quán bar, vũ trường, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ tiếp tục gia tăng.
Trước tình hình đó, UBND thành phố đã quan tâm đến việc chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống ma túy và công tác quản lý sau cai nghiện. Hàng năm, UBND TP. Phan Thiết đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện như: Kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền cai nghiện ma túy; Kế hoạch giao chỉ tiêu công tác phòng, chống ma túy, lập hồ sơ đối tượng vi phạm; Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy; Kế hoạch thực hiện tháng hành động phòng, chống ma túy, “Ngày quốc tế, ngày toàn dân phòng, chống ma túy”…
Bên cạnh đó, TP. Phan Thiết còn lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc được UBND các phường, xã và các phòng, ban của thành phố quan tâm thực hiện. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, TP. Phan Thiết đã lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được 175 đối tượng nghiện ma túy.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận đối tượng vào cai nghiện bắt buộc tại cơ sở điều trị nghiện ma túy sau khi có quyết định của tòa án gặp nhiều khó khăn, do số lượng đối tượng vượt khả năng cho phép tiếp nhận của cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh. Hiện tại, Phan Thiết còn 32 đối tượng đã có quyết định xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của tòa án nhưng chưa được cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh tiếp nhận vào cai nghiện.
Đối với công tác quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú, đến nay TP. Phan Thiết có 98 đối tượng hoàn thành việc cai nghiện bắt buộc trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, việc quản lý sau cai tại nơi cư trú được phân công cho các tổ chức đoàn thể quản lý, theo dõi, giúp đỡ, đánh giá quá trình sau cai của đối tượng tại địa phương. Thành lập Đội hoạt động xã hội tình nguyện tại 10/18 phường, xã để hỗ trợ thực hiện công tác quản lý sau cai. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền, huy động cộng đồng dân cư tham gia quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện, động viên, khuyến khích người sau cai nghiện tham gia các hoạt động xã hội.
Tuy nhiên, công tác quản lý sau cai thời gian qua chưa hiệu quả, hơn 50% đối tượng tiếp tục tái nghiện và 20% đối tượng phải lập hồ sơ đề nghị đưa đi cai nghiện bắt buộc lần 2. Các đối tượng sau khi cai nghiện trở về địa phương vẫn còn mặc cảm, ngại tiếp xúc với cán bộ tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm. Chương trình hỗ trợ vay vốn cho người sau cai nghiện ma túy chưa được triển khai thực hiện, việc giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện rất khó khăn.
UBND TP. Phan Thiết cho biết, để quản lý tốt các đối tượng nghiện ma túy được cai nghiện trở về địa phương, trong thời gian tới cần phải sửa đổi các chính sách, pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện ma túy, vì hiện nay Luật phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính có sự mâu thuẫn về thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc. Đồng thời sớm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người sau cai nghiện.
Đối với các ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý sau cai nghiện, lập sổ theo dõi, đánh giá quá trình sau cai nghiện, phân công tổ chức, người giúp đỡ, hướng dẫn người sau cai nghiện cách li môi trường ma túy, định kỳ hoặc đột xuất phải tổ chức kiểm tra, xét nghiệm các chất ma túy đối với người sau cai nghiện. Bên cạnh đó tuyên truyền, quản lý, tổ chức chăm sóc, tư vấn, điều trị, hỗ trợ cho người sau cai nghiện nhiễm HIV/AIDS. Hàng tháng tổ chức họp kiểm điểm, nhận xét quá trình phấn đấu, rèn luyện của người sau cai nghiện…
PHAN LIÊN