Theo dõi trên

Quản lý đô thị Phan Thiết: Xử phạt như đùa

30/11/2016, 09:53

BT- Thành phố Phan Thiết từng được xem là địa phương có mô hình về quản lý đô thị khá hoàn thiện và đã được tổ chức, thực hiện tốt. Nhưng thời gian gần đây lại xuất hiện nhiều vấn đề bất cập, tồn tại trên các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, quản lý quy hoạch đô thị, quản lý vỉa hè, lòng lề đường, vệ sinh môi trường… 

                
Một góc đường Huỳnh Tấn Phát (Mũi Né).

Từ  lập quy hoạch

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ học tập mô hình quản lý của TP. Đà Nẵng, Phan Thiết đã thành lập lực lượng thanh niên xung kích thành phố và các tổ quản lý trật tự đô thị ở các phường, xã với nguồn ngân sách nhà nước phải chi ra để duy trì cho hoạt động của các lực lượng này trong suốt thời gian qua là không nhỏ. Tuy nhiên, nếu suy xét, đánh giá lại hiệu quả thực tế, xét trên góc độ quản lý, kết hợp đánh giá thực trạng và qua những gì Phan Thiết đã làm cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng, đô thị và công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị trên địa bàn thành phố thời gian gần đây không hề giảm hay tốt hơn so với trước đây.

Trước hết, về công tác lập và thực hiện quy hoạch của thành phố. Nhiều người đều biết, quy hoạch xây dựng đô thị là nhiệm vụ hết sức quan trọng của chính quyền, nhằm đảm bảo cho công tác quản lý đi đúng hướng và là điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hầu hết các quy hoạch xây dựng trên địa bàn Phan Thiết đến nay đã hết hiệu lực và UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ lập quy hoạch giai đoạn tiếp theo cho UBND TP. Phan Thiết từ nhiều năm qua,  nhưng đến nay thành phố vẫn chưa hoàn thành. Nhiều dự án quy hoạch không còn khả thi, UBND tỉnh cũng đã thu hồi chủ trương, giao UBND TP Phan Thiết lập quy hoạch chỉnh trang, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân trong vùng quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa được Phan Thiết quan tâm thực hiện. Một số cán bộ lãnh đạo tại phường, xã ở thành phố Phan Thiết than phiền: Hậu quả của việc chậm lập quy hoạch chỉnh trang đã dẫn đến tình trạng người dân có đất nằm trong vùng quy hoạch (cũ) không được xây dựng, sửa chữa nhà ở, không được chuyển mục đích sử dụng đất, không được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất… gây bức xúc trong nhân dân, làm phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp của công dân và đây cũng là vấn đề được người dân thành phố đề cập nhiều nhất tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh vào ngày 27/10/2016 vừa qua. Ngoài ra, điều làm cho nhiều cán bộ ở đây khó hiểu là đến nay sản phẩm quy hoạch xây dựng thành phố chưa lập xong nhưng tiền thì đã chuyển gần hết cho đơn vị tư vấn.

  Đến quản lý đô thị

Đối với công tác quản lý quy hoạch đô thị, theo một cán bộ chuyên ngành theo dõi về đô thị của UBND TP. Phan Thiết cho biết: Tính từ năm 2010 đến nay đã có hơn 1.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực xây dựng, đất đai của Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết hết thời hiệu nộp tiền phạt, với số tiền thất thoát lên đến hơn 11,4 tỷ đồng. Đồng thời, điều không nghiêm và khó hiểu là UBND TP. Phan Thiết lại kiến nghị không xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân có liên quan đến việc đã để xảy ra tình trạng quyết định xử phạt hết thời hiệu như đã nêu. Ngoài ra, UBND TP. Phan Thiết cũng sẽ bố trí kinh phí để cưỡng chế, tháo dỡ cho các phường, xã.

Như vậy, chỉ tính riêng số lượng quyết định xử phạt hết thời hiệu phạt tiền thì Phan Thiết đã có hơn 1.000 trường hợp, với hơn chục tỷ đồng ngân sách bị thất thoát. Chưa kể các trường hợp vi phạm không được phát hiện, xử lý hoặc đã xử lý nhưng người vi phạm mới chỉ chấp hành một phần nội dung quyết định. Trên thực tế chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số vừa nêu, không khó để nhận ra khi khảo sát thực địa tình trạng xây dựng nhà ở, công trình trái phép tràn lan, công khai tại địa bàn các phường, xã Phú Thủy, Phú Tài, Xuân An, Phong Nẫm, Phú Hài, Hàm Tiến… Đặc biệt là Mũi Né và Hàm Tiến, chỉ tính riêng trên trục đường Huỳnh Tấn Phát (tuyến đường mới mở trong vài năm gần đây) nằm gần ngay trụ sở UBND phường, nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã có gần cả trăm căn nhà trái phép mọc lên, nhiều căn trong số đó được xây dựng kiên cố nhiều tầng, chiếm cả nghìn m2 diện tích xây dựng, chiếm luôn phần lộ giới, đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại. Riêng phường Hàm Tiến, đã có nhiều khu dân cư mới hình thành do tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép tại các khu vực phía đồi diễn ra trong những năm gần đây nhưng không được quan tâm xử lý kịp thời, kiên quyết.

Về quản lý vỉa hè, lòng lề đường, vệ sinh môi trường. Tình trạng vỉa hè, lòng lề đường bị lấn chiếm để buôn bán, đậu đỗ xe và xả nước thải, rác thải sau khi buôn bán diễn ra tràn lan, mất mỹ quan đô thị, nhất là các tuyến đường chính như Trần Hưng Đạo, Thủ Khoa Huân, Lê Hồng Phong, Lê Thị Hồng Gấm… các khu vực chợ, công viên Đồi Dương, công viên Võ Văn Kiệt, khu vực các tuyến đường xung quanh Khu di tích Bác. Nhiều khu vực ngập úng cục bộ thường xuyên và kéo dài trong nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường ở Phú Tài, Xuân An, Phú Trinh… ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khu vực nhưng không được khắc phục kịp thời.

Ngoài ra, còn có rất nhiều vấn đề tồn tại khác mà chúng tôi không có điều kiện đề cập hết. Khi nói về trách nhiệm, ông Đỗ Ngọc Điệp, Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho rằng: “Để xảy ra tình trạng các quyết định xử phạt vi phạm hành chính hiện đã hết thời hiệu, trách nhiệm chủ yếu là thuộc về UBND các phường, xã”. Nhưng rõ ràng những hạn chế nêu trên có phần trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP. Phan Thiết. Trước hết là việc lập quy hoạch xây dựng, đây là nhiệm vụ thường xuyên và đã được UBND tỉnh giao từ nhiều năm trước nhưng mãi đến nay thành phố vẫn chưa có quy hoạch cho giai đoạn kế tiếp. Trong khi đó có thông tin cho rằng Đồ án quy hoạch của thành phố mới chỉ thi công chưa được 40 - 50%, nhưng tiền thì đã giao cho nhà tư vấn hơn 70-80% khối lượng, đến nay sản phẩm cuối cùng không có để phê duyệt nhưng đơn vị tư vấn đã phá sản, giải thể. Nếu thông tin trên là đúng thì đây là vụ việc rất nghiêm trọng liên quan đến trách nhiệm lựa chọn nhà thầu tư vấn, giám sát và quản lý ngân sách của thành phố, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và đà phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Qua đó cho thấy, công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành của UBND TP. Phan Thiết không phát huy hiệu quả. Điều này cũng nói lên việc quản lý nhà nước và hiệu quả hoạt động của lực lượng thanh niên xung kích, các tổ quản lý trật tự đô thị không phát huy hiệu lực khi ngân sách hàng năm đã chi một khoản không nhỏ cho lực lượng này.

 Điều suy nghĩ

Điều chúng tôi suy nghĩ nhiều và băn khoăn là tại sao UBND TP. Phan Thiết không đặt vấn đề trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan trong việc chậm tham mưu lập, quản lý quy hoạch, xây dựng, trật tự đô thị, làm thất thoát tiền ngân sách và chuyển tiền vượt quá khối lượng sản phẩm mà còn đề nghị Thường trực Thành ủy không kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan và thành phố lại sẽ cấp ngân sách để thực hiện cưỡng chế công trình, nhà ở xây dựng trái phép. Phải chăng UBND thành phố chấp nhận cho sự buông lỏng quản lý, kỷ luật, kỷ cương? Chấp nhận các sai phạm của cấp dưới trong công tác quản lý để rồi sai phạm lại cứ tiếp diễn.

THU TUYẾT



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý đô thị Phan Thiết: Xử phạt như đùa