Theo dõi trên

Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở Phan Thiết: Thiếu nhân lực, trang thiết bị…

13/09/2017, 08:35

BT- Để quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tốt hơn, ngoài việc kiểm tra test nhanh thì việc lấy mẫu xét nghiệm đóng vai trò quan trọng, giúp công tác xử lý vi phạm, giảm ngộ độc tác hại đến sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, việc lấy mẫu của đoàn kiểm tra liên ngành ATTP Phan Thiết gặp nhiều khó khăn.

                
Kiểm tra cơ sở chế biến cà phê sử dụng    nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Ảnh: Đ.H

Ít kiểm tra

Những tháng đầu năm 2017, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Phan Thiết đã tổ chức 77 lượt kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Cụ thể với nhiều lỗi mắc như: chưa đủ điều kiện vệ sinh, trang thiết bị dụng cụ; không có giấy chứng nhận vệ sinh ATTP, không rõ nguồn gốc… Vả lại, chỉ có 3 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5,9 triệu đồng; số còn lại là nhắc nhở. Riêng lĩnh vực nông lâm thủy sản, đoàn kiểm tra việc giết mổ gia súc tại phường Thanh Hải, kinh doanh thịt heo của các tiểu thương tại chợ Phú Thủy, xử phạt 1 cơ sở kinh doanh thịt không có dấu kiểm soát giết mổ gần 2,5 triệu đồng.

Theo Trưởng phòng Y tế Phan Thiết - Nguyễn Trung Hà, thành phố tập trung số lượng lớn các sản phẩm, cả loại hình  lưu thông, phân phối chế biến, ăn uống. Song thời gian qua đoàn kiểm tra liên ngành thành phố  có triển khai tích cực thanh kiểm tra các cơ sản xuất, chế biến,  kinh doanh nhưng chưa đạt theo mong muốn, mới chủ yếu tập trung vào các dịp lễ tết, tháng hành động, các sự kiện lớn. Bởi số lượng nhân lực thanh kiểm tra thuộc phân cấp thành phố quá “mỏng”. Bên cạnh đó, các thành viên trong đoàn kiểm tra kiêm nhiệm quá nhiều việc, nên khó khăn trong công tác phối hợp.

 Nhiều cái thiếu

Thực phẩm tươi sống là thức ăn “chủ lực”, không thể vắng mặt trong  mỗi bữa ăn của các gia đình. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm về ATTP gặp nhiều khó khăn do chưa có đầy đủ trang thiết bị, mẫu thử phân tích nhận biết trong thực phẩm có chứa hóa chất tồn dư, chất cấm hay không. Hiện tại, chỉ được trang bị test nhanh nhận biết hàn the, phọt - môn, nitrat, phẩm màu…; còn lại vẫn phải kiểm tra bằng cảm quan, mắt thường nên không có cơ sở pháp lý để xử phạt. Thêm nữa chi phí xét nghiệm các mẫu thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo ATTP rất cao. Sau xét nghiệm, nếu mẫu có hóa chất cấm, dĩ nhiên cơ sở vi phạm bị xử phạt theo quy định. Nếu mẫu không có hóa chất tồn dư, đoàn thanh kiểm tra chưa biết ai sẽ chịu khoản phí xét nghiệm, nên đoàn kiểm tra rất hạn chế việc lấy mẫu để xét nghiệm. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên trách về ATTP ở cấp thành phố, huyện chưa được đào tạo sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, chủ yếu thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn. Cả đoàn kiểm tra liên ngành ATTP Phan Thiết,chỉ có 1 thành viên có chứng chỉ lấy mẫu. Nếu thành viên này ốm đau, hoặc nghỉ phép… cũng không thể lấy mẫu khi nghi ngờ thực phẩm có hóa chất độc hại. Đó là khó khăn trong công tác kiểm tra ATTP mà ông Hà cho biết.

                
Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm mặt hàng    hải sản. Ảnh: Đ.H

Theo ông Hà, để quản lý ATTP tốt hơn, phải có con người thực hiện. Đó là đội ngũ cán bộ cần được đào tạo bài bản về chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ, có chứng chỉ lấy mẫu. Đi cùng là  các trang thiết bị kiểm tra nhanh, hiện đại để kịp thời cảnh báo với các cơ sở kinh doanh, cũng như hạn chế tối đa việc sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn, sớm ngăn chặn sản phẩm độc hại  vào dạ dày người tiêu dùng…

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở Phan Thiết: Thiếu nhân lực, trang thiết bị…