Theo dõi trên

Quan tâm hơn đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số

20/07/2020, 16:07

BTO- Trong phiên họp sáng 20/7, HĐND tỉnh tập trung thảo luận tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, một số đại biểu có ý kiến về các nội dung liên quan trực tiếp đến chế độ, chính sách đối với cử tri đồng bào dân tộc thiểu số.

                
      Đại biểu Tô Thị Nguyệt Thanh.

Đảm bảo nguồn nước thủy lợi

 Cụ thể, đại biểu Tô Thị Nguyệt Thanh - Phó Trưởng ban Dân tộc- HĐND tỉnh đề cập đến 2 nội dung đang được cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số quan tâm. Thứ nhất, về đầu tư hệ thống thủy lợi đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã quan tâm, bố trí kinh phí phù hợp để nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi vừa và nhỏ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, đã phần nào khắc phục tình trạng khô hạn, thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của đồng bào. Tuy nhiên do khó khăn về kinh phí và vướng mắc về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nên việc đầu tư, xây dựng các hạng mục kênh mương dẫn nước đến đồng ruộng chưa được đồng bộ và hoàn chỉnh, chưa dáp ứng đầy đủ nhu cầu nước phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế. Thực tế các công trình chỉ đáp ứng tưới khoảng 40% so với năng lực thiết kế ban đầu. Do vậy, đồng bào ở các xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh - Hàm Thuận Nam, Phan Dũng - Tuy Phong chỉ sản xuất được 2 vụ/năm do không có đủ nguồn nước.

Đơn cử như tuyến kênh tiếp nước Sông Móng - Hàm Cần đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2015. Đến nay đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn còn khoảng 300 m đi qua diện tích quy hoạch 3 loại rừng. Do không được phép tác động vào diện tích rừng tự nhiên khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, nên đến nay vẫn chưa thi công được.

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho vùng dân tộc thiểu số, đại biểu Thanh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025; tiếp tục bố trí kinh phí phù hợp để nâng cấp sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các công trình đầu mối, hệ thống kênh mương, nhằm duy trì năng lực tưới của các công trình, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm cho chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng khu vực 300m kênh đi qua để tiếp tục thi công, hoàn chỉnh hệ thống kênh dẫn nước từ hồ Sông Móng về đập dâng Hàm Cần, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Phát triển giáo dục vùng dân tộc

Bên cạnh đảm bảo nguồn nước, việc đầu tư phát triển giáo dục cũng được quan tâm. Đặc biệt, trong những năm qua sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển. Mạng lưới trường lớp phát triển rộng khắp đến các xã, thị trấn. Đặc biệt, quy mô mạng lưới và chất lượng giáo dục trong các trường chuyên biệt được nâng lên. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn 1.727 phòng học bán kiên cố, trên tổng số 8.537 phòng, chiếm tỷ lệ 20,2%.

                
      Trường tiểu học Phan Dũng (Tuy Phong).

Trong đó có các trường ở vùng dân tộc thiểu số, nhất là một số trường còn thiếu phòng học, phòng chức năng, công trình phụ như trường mẫu giáo, tiểu học Phan Dũng (Tuy Phong), điểm trường Lâm Thuận thuộc Trường tiểu học Hàm Phú 1, huyện Hàm Thuận Bắc…

Để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong thời gian đến, đại biểu Tô Thị Nguyệt Thanh đề nghị UBND tỉnh quan tâm, phân bổ kinh phí kịp thời để thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, bố trí kinh phí đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là đối với các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Sở ngành liên quan khẩn trương tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số vùng cao có thêm kinh phí để trang trải việc học tập.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Gian nan đường xuất ngoại
Khi Thanh Thúy bị CLB Kuzeyboru tuyên bố chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, người hâm mộ 4T và bộ môn bóng chuyền nói riêng cũng như thể thao nước nhà nói chung lại có thêm một nỗi buồn. Buồn vì những ngôi sao hàng đầu của thể thao Việt Nam khi xuất ngoại gặp quá nhiều gian nan và đều trở về trong “thất bại”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan tâm hơn đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số