Theo dõi trên

Quảng Tây (Trung Quốc) tăng cường quản lý truy xuất hoa quả nhập khẩu: Bình Thuận chuẩn bị gì?

01/05/2018, 10:03

Bài 1: Quy định tất yếu

BT- Thông tin chính thức từ Bộ Nông nghiệp & PTNT, kể từ ngày 1/5/2018, cơ quan kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) sẽ triển khai thực hiện nghiêm việc kiểm nghiệm, kiểm dịch hàng hóa nông sản, hoa quả tại các cửa khẩu thuộc tỉnh này. Đối với những lô hàng trên bao bì đóng gói không có đầy đủ thông tin, được coi như không đạt yêu cầu, họ sẽ trả lại hàng hoặc tiêu hủy hàng hóa. Tại Bình Thuận, sản phẩm trái thanh long là mặt hàng chính thuộc diện này. Do đó, những việc “cần làm ngay” để “xốc” lại thương hiệu thanh long, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc đang là vấn đề “nóng” hiện nay.

                
Sơ chế thanh long xuất khẩu tại Công ty    TNHH Thanh long Hoàng Hậu.

Thêm rào cản kỹ thuật - nông dân, doanh nghiệp còn thờ ơ?

Mang thông tin trên đến hỏi một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long lớn nhất tại Bình Thuận, chúng tôi đều nhận được sự trả lời rất “bình thản”. Tại Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, ông Trần Ngọc Hiệp - Giám đốc doanh nghiệp cho biết: Chúng tôi chủ yếu xuất khẩu chính ngạch đến các nước châu Âu nên việc siết chặt quản lý truy xuất hoa quả nhập khẩu của Quảng Tây không ảnh hưởng đến. Hơn nữa, từ trước đến nay chúng tôi vẫn luôn chú trọng nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo chất lượng. Tương tự, tại Công ty TNHH MTV Rau quả Bình Thuận, đại diện công ty cũng cho biết vấn đề này không ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu chính ngạch của doanh nghiệp.

Như vậy, tại Bình Thuận ảnh hưởng hay chăng chính là các doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, các vựa thanh long nhỏ lẻ. Trao đổi với Giám đốc Công ty TNHH DVTM Hiệp Tiến (xã Tiến Lợi, TP. Phan Thiết), chúng tôi được biết, doanh nghiệp này chủ yếu thu mua theo đơn đặt hàng của các công ty trực tiếp xuất khẩu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay giá cả thu mua thanh long ít lên xuống, chủ yếu chú trọng mẫu mã. Số lượng thu mua, gia công hạn chế do nhiều thương lái Trung Quốc trực tiếp đến Bình Thuận giao dịch.

Còn về phía nông dân trồng thanh long, thời điểm này bà con vẫn đang rất vui vì giá thanh long chong đèn cuối vụ vẫn bán ở mức 19.000 - 20.000 đồng/kg, nhưng vẫn “khát” hàng. Theo ông Nguyễn Tánh - Nhóm trưởng nhóm thanh long VietGAP Thắng Lợi (thôn 5, xã Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc), thông tin việc truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu sang Trung Quốc ông đã được nghe trên các phương tiện truyền thông gần đây. Nhưng nhóm VietGAP vẫn chưa có thông tin chính thức nào từ phía tỉnh để bà con chuẩn bị tâm thế. Đáng nói, trước đây nhóm VietGAP Thắng Lợi có 38 hộ tham gia, thì đến thời điểm này đã “rơi rớt” còn 16 hộ, với 25 ha. Lý do là bà con đã thực hiện VietGAP 8 năm nay, nhưng chưa có doanh nghiệp thu mua nào dựa trên tiêu chí VietGAP để lựa chọn sản phẩm. Trong khi đó, việc ghi nhật ký và tuân thủ theo quy trình VietGAP gây tốn thời gian và mẫu mã sản phẩm không bằng so với sản xuất thường, nên nhiều hộ đã quay lưng với VietGAP. 

Các sở ngành vào cuộc

Ngay khi nhận được thông tin chính thức từ Bộ Nông nghiệp & PTNT về vấn đề tăng cường quản lý truy xuất hoa quả nhập khẩu của phía Trung Quốc, ông Đỗ Minh Kính - Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, đã lập tức có văn bản đề nghị các địa phương, Sở Nông nghiệp & PTNT, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận thông báo bằng nhiều hình thức để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản, hoa quả trên địa bàn tỉnh có xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc biết thông tin này. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp chủ động phối hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc khi làm thủ tục khai báo hải quan tại Trung Quốc. Đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương tiến hành rà soát, cập nhật thông tin về vùng trồng trọt và cơ sở đóng gói các loại trái cây và đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT thông báo với phía Trung Quốc. Tiếp tục triển khai các chỉ đạo của UBND tỉnh về phát triển sản xuất thanh long theo quy trình VietGAP, Global GAP nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc nói riêng và yêu cầu ngày càng cao của thị trường nói chung. Qua đó, nhằm thực hiện đầy đủ các quy định của cơ quan có thẩm quyền phía Trung Quốc, tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa, tránh rủi ro, thiệt hại cho doanh nghiệp và tránh gây ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu.

Về phía Sở Nông nghiệp & PTNT Bình Thuận, ông Phạm Hữu Thủ - Chánh Văn phòng Sở cho biết: “Việc quản lý truy xuất nguồn gốc để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm của người sản xuất, gắn với thể hiện tính minh bạch, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Sở Nông nghiệp & PTNT đang tham mưu UBND tỉnh đề nghị một số cơ quan chức năng của tỉnh tập trung một số nhiệm vụ cấp bách. Trong đó, không ngừng chỉ đạo phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm để nâng cao chất lượng và tránh rủi ro cho người sản xuất, doanh nghiệp. Thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp để tránh rủi ro trong quá trình xuất khẩu, tăng cường hơn nữa quản lý thị trường. Đối với Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cần tuyên truyền, phổ biến thông tin này đến các thành viên hiệp hội, các doanh nghiệp có xuất khẩu thanh long liên kết với các tổ nhóm hình thành theo chuỗi để truy xuất nguồn gốc. Sở Khoa học công nghệ giúp đỡ các doanh nghiệp, cơ sở xuất khẩu thanh long về hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đảm bảo đúng nội dung nhập khẩu”.

    
    Ông Phạm   Hữu Thủ - Chánh Văn phòng Sở NN & PTNT cho biết: “Việc Quảng Tây tăng   cường quản lý truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu (trong đó có thanh   long Bình Thuận) là việc làm bình thường của các nước nhập khẩu, nhằm   đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quảng Tây (Trung Quốc) tăng cường quản lý truy xuất hoa quả nhập khẩu: Bình Thuận chuẩn bị gì?