Sự cần thiết của quy định
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong cả nước nói chung và ở Bình Thuận nói riêng đang nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân bởi tính quyết liệt trong công tác chỉ đạo của các cấp ủy. Nhiều vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Trung ương và cấp tỉnh đã được xử lý nghiêm minh, xét xử kịp thời, đúng người, đúng tội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ rất cao.
Đáng chú ý, trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì lực lượng hoạt động trong lĩnh vực kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đóng vai trò hết sức quan trọng. Họ được ví như “thanh bảo kiếm”, hoặc “lá chắn”, góp phần giữ vững quy định của Đảng, sự nghiêm minh của pháp luật. Thế nhưng, nhìn nhận thực tế trong những năm qua, đã có không ít cán bộ trong lực lượng này vi phạm pháp luật. Mặc dù đã được phát hiện và xử lý kịp thời, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của nhân dân. Hơn lúc nào hết, cần một chế tài răn đe, nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn từ sớm, từ xa và thêm khẳng định không có “vùng cấm”. Chính vì vậy, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Theo đó, quy định gồm có 4 chương và 11 điều. Quy định đã giải thích rõ: Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm, nhất là hành vi lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao...
Quy định yêu cầu cấp ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng thuộc thẩm quyền quản lý; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra của cấp ủy thực hiện nghiêm quy định của Đảng, chỉ đạo của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp trên, kịp thời chấn chỉnh hạn chế, khuyết điểm trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng...
Kịp thời xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định
Đặc biệt, tại điều 4 của quy định này đã chỉ rõ 22 mục gồm các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán bị nghiêm cấm. Trong đó, các hành vi điển hình như: hành vi hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm. Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng kiểm tra cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là thông tin, tài liệu, hồ sơ đang trong quá trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng hoặc thanh tra, kiểm toán. Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác…
Liên quan đến việc xử lý vi phạm các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực, quy định đã nhấn mạnh phải kịp thời xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Trường hợp vi phạm chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì phải tự kiểm điểm, có biện pháp khắc phục vi phạm, khuyết điểm và cam kết không tái phạm. Trường hợp đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu) vi phạm 22 hành vi nêu trên thì bị xử lý theo quy định hiện hành. Riêng với những cán bộ đang công tác còn bị áp dụng các biện pháp xử lý. Cụ thể, đình chỉ công tác, chức vụ, không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán. Không quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu bầu cử, ứng cử chức vụ tương đương và cao hơn, công nhận chức danh, phong tặng danh hiệu, khen thưởng theo quy định…
Bác Hồ đã dạy phải biết liêm, chính, “dĩ công vi thượng”; phải biết xấu hổ, phải biết “sợ” khi làm điều sai trái. Quy định 131 ra đời sẽ là một “thanh bảo kiếm” của tổ chức Đảng, chính quyền và các cơ quan hành pháp để từ đó soi rọi vào quá trình kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng...góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh.