Trong công tác cán bộ, việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ…
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Yêu cầu chung
Quy định này sẽ đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trên cơ sở nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác quy hoạch cán bộ. Theo đó coi trọng chất lượng, bảo đảm cân đối, hài hòa, hợp lý, liên thông giữa các khâu trong công tác cán bộ; giữa quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng; giữa đánh giá với quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ; giữa cán bộ quy hoạch với cán bộ đương nhiệm; giữa nguồn cán bộ ở cấp tỉnh với cấp huyện, cấp xã, địa bàn và lĩnh vực công tác; giữa nguồn cán bộ tại chỗ với nguồn cán bộ từ cơ quan, đơn vị, địa phương khác. Phấn đấu quy hoạch theo cơ cấu ba độ tuổi (khoảng cách giữa các độ tuổi là 5 năm), tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn, lĩnh vực công tác. Cũng theo quy định, công tác quy hoạch cấp ủy các cấp phải gắn với quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý; lấy quy hoạch các chức danh cấp ủy làm cơ sở để quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý; quy hoạch cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cấp trên; gắn kết chặt chẽ quy hoạch cán bộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương với quy hoạch cán bộ chủ chốt các cấp. Chỉ quy hoạch chức danh cao hơn. Mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý quy hoạch không quá ba cán bộ, một cán bộ quy hoạch không quá ba chức danh ở cùng một cấp phê duyệt quy hoạch. Không thực hiện đồng thời quy trình bổ sung quy hoạch với quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vào một chức danh lãnh đạo, quản lý. Việc thực hiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức danh quy hoạch chỉ được thực hiện sau khi phê duyệt quy hoạch ít nhất 3 tháng… Quy hoạch cán bộ là khâu quan trọng, nhiệm vụ thường xuyên nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, có triển vọng phát triển để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Do vậy việc xác định tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, chức danh quy hoạch, dự báo nhu cầu sử dụng cán bộ phải xuất phát từ tình hình đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị trong từng nhiệm kỳ và định hướng nhiệm kỳ kế tiếp. Quá trình đó phải rà soát, đánh giá toàn diện nguồn cán bộ trước khi đưa vào danh sách giới thiệu nhân sự quy hoạch bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công bằng, công tâm, công khai, minh bạch, đúng quy trình, thẩm quyền. Không đề xuất, phê duyệt quy hoạch những trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện. Đồng thời thực hiện phương châm quy hoạch “động” và “mở”. Hằng năm đánh giá, rà soát để kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới từ nguồn nhân sự tại chỗ hoặc nguồn nhân sự từ cơ quan, đơn vị, địa phương khác.
Trách nhiệm
Ban Thường vụ Tỉnh ủy có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ và Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW, ngày 15/2/2022 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng hướng dẫn một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ. Tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng về công tác quy hoạch cán bộ tại tỉnh. Xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện, xác định đối tượng cụ thể đối với các chức danh quy hoạch thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và tham gia xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện các chức danh khác khi được yêu cầu. Thực hiện quy trình nhân sự, kết luận về tiêu chuẩn chính trị, nhận xét, đánh giá và trình Ban Tổ chức Trung ương Đảng phê duyệt quy hoạch các chức danh quy hoạch thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bao gồm: Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Thực hiện quy trình nhân sự, kết luận về tiêu chuẩn chính trị, nhận xét, đánh giá và phê duyệt quy hoạch các chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Quyết định phê duyệt quy hoạch đối với các chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Căn cứ quy hoạch được phê duyệt để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ gắn với chức danh quy hoạch theo quy định. Kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong công tác quy hoạch cán bộ theo thẩm quyền. Định kỳ hằng năm, lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá chất lượng, cơ cấu nguồn cán bộ trong quy hoạch để kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo quy định. Quy định giao trách nhiệm cho Thường trực Tỉnh ủy quyết định phê duyệt quy hoạch các chức danh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý theo ủy quyền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Khi cần thiết trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định. Hiệp y quy hoạch cấp trưởng, cấp phó các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn…
Quy định 1725 quy định rõ chức danh, đối tượng, nhiệm kỳ, hiệu lực quy hoạch; Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch; Trách nhiệm trong công tác quy hoạch; Phương pháp và thời điểm quy hoạch; Tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi; Hệ số, số lượng và cơ cấu; Quy trình, thẩm định nhân sự và hồ sơ nhân sự quy hoạch; Công khai và quản lý quy hoạch; Các trường hợp đương nhiên ra khỏi quy hoạch… Đồng thời giao trách nhiệm cho các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị căn cứ Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quy hoạch cán bộ, có trách nhiệm cụ thể hóa cho phù hợp với đặc điểm, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị nhưng không trái với Quy định này.