Theo dõi trên

Quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030: Ðảm bảo tỷ lệ che phủ rừng

08/10/2021, 08:57

BT- Bình Thuận là một trong những tỉnh có đầy đủ 3 loại rừng, gồm rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Theo kết quả quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt cuối năm 2018, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được quy hoạch 3 loại rừng là 347.621,68 ha, chiếm 44,49% diện tích tự nhiên của tỉnh.

Xác định lại quy mô

Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh là 336.256,80 ha (bao gồm cả diện tích đất có rừng thuộc quy hoạch đất an ninh, quốc phòng của Trường bắn TB3 và Trại giam Thủ Đức). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,06%. Vừa qua, nhằm xác định lại quy mô diện tích 3 loại rừng và cơ cấu lại diện tích đất lâm nghiệp phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì triển khai thực hiện trên toàn quốc.

Tại Bình Thuận, kết quả rà soát diện tích quy hoạch 3 loại rừng, hiện trạng diện tích đất lâm nghiệp đến tháng 9/2021, toàn tỉnh có 347.621,68 ha nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp. Hiện nay, tỉnh đã hoàn thành đo đạc ngoại nghiệp đối với diện tích đất có rừng tự nhiên nằm ngoài quy hoạch được xác lập đưa vào 3 loại rừng là trên 3.600 ha. Diện tích này đã được Chi cục Kiểm lâm tổ chức tạm bàn giao cho các đơn vị chủ rừng quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật Lâm nghiệp và hiện nay đang tiếp tục phối hợp với Chi cục Quản lý Đất đai tỉnh hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi và giao đất cho các đơn vị chủ rừng.

Rừng mùa khô ở Tánh Linh (ảnh tư liệu)

Đáng lưu ý, qua rà soát trong quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định số 3656/QĐ-UBND đã có 18 công trình, dự án được UBND tỉnh quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác với tổng diện tích là 280,11 ha. Cụ thể, đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo - Phan Thiết) 48,35 ha; đường dây 500 kV mạch kép Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam – Trung Nam 3,74 ha; đường vào sân bay Phan Thiết 7, 92 ha.

Sau khi rà soát, cập nhật điều chỉnh đưa vào diện tích khoảng 3.600 ha có rừng tự nhiên và giảm diện tích rừng được chuyển sang mục đích khác trong kỳ quy hoạch theo Quyết định số 3656/QĐ-UBND thì tổng diện tích được quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh còn lại khoảng 350.947 ha. Trong đó có 330.510 ha đất có rừng và diện tích đất chưa có rừng là 20.437 ha. 

Vừa phát triển lâm nghiệp, vừa phát triển kinh tế - xã hội

Quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2021-2030, tỉnh xác định hiện trạng tài nguyên rừng, sử dụng tài nguyên rừng, kết cấu hạ tầng lâm nghiệp đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, xác định yêu cầu, tác động của phát triển kinh tế - xã hội đối với ngành lâm nghiệp. Rà soát, chuyển đổi những khu vực rừng trồng sản xuất kém hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

 Kết quả rà soát, xác lập quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2030, sẽ chuyển tiếp diện tích đã đăng ký danh mục công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhưng chưa thực hiện thủ tục theo quy định. Hiện nay, tỉnh đã điều chỉnh diện tích thực hiện các công trình như hồ Ka Pét, hồ La Ngà 3, thủy điện Thác 3, đường Mỹ Thạnh – Đông Giang, dự án hệ thống kênh tiếp nước liên huyện phía nam theo ranh giới bản đồ đã đo đạc thực tế… Như vậy, độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 vẫn đảm bảo đạt tỷ lệ 43% tính theo diện tích tự nhiên toàn tỉnh 781.281,89 ha.

Tại cuộc họp trực tuyến mới đây về nội dung tham gia góp ý Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Nông nghiệp và PTNT soạn thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong đã nhấn mạnh, quy hoạch là cơ sở để tỉnh triển khai thực hiện các dự án có sử dụng đất rừng. Theo đó, trong thời gian qua các sở, ngành, địa phương đã có rà soát, bổ sung các công trình, dự án có đăng ký nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp nhưng chưa đầy đủ, cụ thể… Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vừa phát triển lâm nghiệp, vừa phát triển kinh tế - xã hội, phải rà soát, cập nhật đầy đủ, cụ thể các thông tin, tài liệu, hồ sơ liên quan tới các công trình, dự án có đăng ký nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trong thời kỳ này. Quá trình rà soát, bổ sung, điều chỉnh các công trình, dự án có đăng ký nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp phải tuân theo các quy định của pháp luật và đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 43%. 

         Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030: Ðảm bảo tỷ lệ che phủ rừng