Theo thống kê của Viện Dược liệu, tính đến nay đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm. Trong số đó, khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm, nhiều loại dược liệu quý hiếm như: Sâm Ngọc Linh, Ba Kích… Sưu tầm gần 1.300 bài thuốc dân gian trong cả nước, nhằm hỗ trợ nghiên cứu phát triển sản phẩm phục vụ công tác phòng chữa bệnh cho nhân dân. Giá trị kinh tế đem lại từ nuôi trồng dược liệu cao hơn các loại cây trồng khác như đương quy, artiso, sâm… Với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, từ Đà Nẵng đến Bình Thuận là vùng lợi thế phát triển quế, bụp giấm, trinh nữ hoàng cung, mã đề, diệp hạ châu đắng…
Tuy nhiên, tiềm năng dược liệu phong phú chưa khai thác hết thế mạnh, dược liệu nhập khẩu chiếm cao. Số lượng cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít, cả nước chỉ còn 226 loài có giá trị khai thác tự nhiên và nhiều loại cây dược liệu quý đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Ứng dụng kỹ thuật cao trong nuôi trồng dược liệu còn yếu, đặc biệt khâu giống.
Riêng Bình Thuận, hiện có hơn 200 loại thực vật, nhiều loại thuốc quý. Song hiện trạng nuôi trồng khai thác dược liệu còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động. Khai thác dược liệu quá mức không đi đôi với tái tạo, bảo tồn, chưa quan tâm đúng mức việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất dược liệu.
Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: Phát triển ngành dược liệu không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn có thể mang lại sự giàu có cho một số người dân. Tập trung hình thành chủ trương, biện pháp phát triển dược liệu Việt Nam thời gian đến cho phù hợp với tiềm năng dược liệu của đất nước. Quy hoạch phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và người trồng. Mở rộng danh mục dược liệu, vị thuốc được thanh toán BHYT, khuyến khích khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Tăng cường kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc dược liệu…
Trang Minh