Chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trái đất ngày càng “nóng” lên, diễn biến thời tiết, khí hậu trên thế giới và ở nước ta ngày càng khốc liệt, thất thường, rất khó lường. Thực tế tình hình bão tố, lốc xoáy, mưa lũ khác thường năm 2018 và những năm trước tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam - quốc gia ven biển - đã minh chứng sống động cho nhận định đó. Năm 2019, dự báo sẽ có nhiều cơn bão đổ vào nước ta; mưa lũ lớn sẽ diễn ra trong cả nước, đặc biệt là khu vực miền Trung, Tây nguyên. Rừng bị con người tàn phá, khả năng ngăn lũ tự nhiên là rất thấp, như Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã cảnh báo mới đây: “Sự tàn phá của trời đất, bởi thiên tai và nhân tai là khủng khiếp, sự hủy diệt khôn lường”.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã ra chỉ thị, mới đây là công điện nhắc nhở các ngành, các cấp, các địa phương “Quyết liệt phòng chống thiên tai”; “Quyết liệt xây dựng phương án phòng chống bão lũ theo phương châm 4 tại chỗ”; “Các lực lượng vũ trang coi cứu nạn, cứu hộ phòng chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, sẵn sàng ứng phó cứu dân trong mọi tình huống”; “Các ngành, các cấp, các địa phương không để dân chết, dân đói rét do thiên tai, bão lũ”. Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn - cơ quan Thường trực phòng chống thiên tai đã cử các đoàn về địa phương kiểm tra, giám sát tại chỗ công tác phòng chống bão lũ; kiểm tra hệ thống thủy điện, hệ thống đê điều trên các triền sông, hệ thống hồ đập thủy lợi có lượng nước dự trữ hàng triệu m3, đề phòng khả năng bị vỡ đê đập; giảm thiểu thiệt hại khi xả lũ hồ đập thủy lợi, công trình thủy điện xuống vùng hạ lưu.
Cha ông ta tổng kết: Thủy, hỏa, đạo tặc - sau lũ lụt mới đến hỏa hoạn, thứ đến là trộm cướp, ngoại xâm. Đó là 3 mối nguy hủy diệt cuộc sống con người, thủy tặc được đặt lên hàng đầu, mối nguy cấp số một. Mưa xối xả ngày đêm, nước thượng nguồn đổ về, lũ ống, lũ quét, lũ bùn, lũ đất đá… trong chốc lát cuồn cuộn chảy cuốn phăng làng bản, xã ấp, sạt lở đất ào xuống từ những ngọn núi cao, sức người làm sao chống đỡ? Thủy tặc là vậy! Phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, trong thực tế đã chứng minh tính kịp thời, hiệu quả của nó. Do vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền từ khu phố, thôn bản, chính quyền cấp phường xã, cấp quận huyện phải được coi là “Cơ quan tiền phương” trên mặt trận chống thủy tặc. UBND tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương sâu sát, gần dân, khi dân cần là có mặt tác chiến tại chỗ, được vậy “thủy tặc” nào cũng phải lùi bước!
Quyết liệt phòng chống thiên tai, không bao giờ được phép lơ là, chủ quan đối với “thủy tặc”. Giảm thiểu thấp nhất mọi thiệt hại có thể cho dân; thiên tai không ngăn được sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, coi trọng “phòng” hơn “chống”, “phòng” đi đôi với “chống”. Đó là mệnh lệnh của cuộc sống!
QUỐC TOÀN