Theo dõi trên

Quyết tâm công phá “tảng đá” trách nhiệm

20/08/2024, 05:05

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Chính vì vậy mà công việc được thực hiện nhanh hay chậm, hiệu quả tốt hay xấu, người dân hài lòng hay bất mãn… phụ thuộc rất lớn vào ý thức, thái độ, trách nhiệm, tâm thế và năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).

Thế nhưng hiện nay, vẫn có không ít tình trạng CBCCVC có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc không đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình. “Căn bệnh” này đã dẫn đến nhiều hệ lụy, kìm hãm sự phát triển của đất nước, địa phương. Tại Bình Thuận, tìm phương thuốc để “chữa trị” căn bệnh này đang là vấn đề cấp thiết.

z5744184324402_b445940177285279368ae1e0ee4ba298.jpg
Ông Huỳnh Quang Huy (không đội nón) về với bà con ngư dân vùng biển Thuận Quý

Bài 1: Tiếng nói người trong cuộc

Năm 2008, một ngư dân tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận làm 1 lá đơn gửi đến các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh đề xuất một nguyện vọng. Nội dung lá đơn viết: “Là một ngư dân, làm ăn nhiều năm trên biển. Tôi nhận thấy nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt, trong đó có sò lông. Bà con khai thác sò con quá nhiều. Nên tôi muốn nuôi sò nhằm giữ vùng biển xã Thuận Quý, để đời sau con cháu còn làm theo. Nếu không bảo vệ được sẽ cạn kiệt, nhờ các cấp giúp đỡ cho”. Cách viết chân thật, mộc mạc đã ngay lập tức gây sự chú ý đặc biệt đến các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan quản lý ngành thủy sản. Tuy nhiên thời điểm lúc bấy giờ, chưa có một quy định nào về việc giao mặt biển cho ngư dân. Liệu rằng, nguyện vọng chính đáng của ngư dân có đặt đúng chỗ khi gửi lá đơn trên? Liệu rằng, cán bộ của ngành Thủy sản Bình Thuận có dám “vượt rào” để mang lại lợi ích cho người dân? Xoay quanh cuộc trao đổi với ông Huỳnh Quang Huy - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận - người đã trực tiếp tiếp nhận và xử lý lá đơn trên... độc giả sẽ hiểu rõ hơn tầm quan trọng của 2 từ “trách nhiệm”.

Xin chào ông Huỳnh Quang Huy!

Phóng viên: Thưa ông Huỳnh Quang Huy, khi ngư dân Phạm Cường (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam) gửi lá thư xin được bảo vệ, nuôi sò lông ở vùng biển Thuận Quý, thì đến thời điểm nào chúng ta mới triển khai được mô hình này?

Ông Huỳnh Quang Huy: Phải nói rằng, trong cả nước, đây là lần đầu tiên có một ngư dân viết lá đơn tha thiết đến như vậy. Họ xin rằng hãy giao cho họ được giữ nguồn sò lông để nâng giá trị lên và bảo đảm được việc phát triển nguồn lợi, gắn bó qua rất nhiều đời trong cuộc sống của họ. Thế nhưng đơn đề nghị của họ ra đời trong điều kiện mà luật pháp Việt Nam chưa có một quy định nào về vấn đề giao vùng biển cho cộng đồng hay là cá nhân nào quản lý để phục hồi nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không có đủ các điều kiện về tài chính để triển khai một dự án nào cho ngư dân thực hiện theo đúng mô hình nêu trên. Thế nhưng, sau đó mấy năm chúng tôi có thí điểm một mô hình khác do nguồn tài trợ khác và thực hiện theo yêu cầu của nhà tài trợ ở vùng biển phía Bắc Bình Thuận. Dựa trên sự thành công của mô hình đó, đến năm 2015 chúng tôi mới xin được nguồn tài trợ để thực hiện ý tưởng của ngư dân Phạm Cường.

data-news-2020-7-129248-quan.jpg
Ông Pham Cường (ở giữa) ngư dân đã gửi lá đơn cho các ngành chức năng

Phóng viên: Thưa ông! Trước một việc khó khăn như vậy, chưa từng có tiền lệ, chưa từng có một cách làm nào để chúng ta tham khảo, học hỏi. Vậy thì lúc đó ông và các cộng sự của mình triển khai như thế, ông có sợ không?

Ông Huỳnh Quang Huy: Sợ chứ, sợ vì với trách nhiệm người đứng đầu, mình kêu gọi một đội ngũ anh em theo mình để làm, mà làm một vấn đề chưa có tiền lệ, chưa có quy định. Nhưng cái khó đó chưa ăn thua gì so với những cái khó khi mình đưa ra ý tưởng và triển khai lại bị chính những người đồng đội, những người quản lý nghi ngờ. Tốn thời gian, tốn nhiều cuộc họp, và nó mệt mỏi lắm. Tuy nhiên, nếu chúng tôi không làm thì không biết đến bao giờ mới làm và nếu không có thực tế thì chúng ta không nâng lên cái tầm lý luận để triển khai trong cả nước được. Cho nên chúng tôi quyết tâm làm và vấn đề quan trọng nhất là người đứng đầu phải dám chịu trách nhiệm, phải dám làm và truyền được cái nhiệt tâm, nhiệt huyết đó đến với nhóm anh em làm cùng. Nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, liên tục cả bốn năm trời chúng tôi phải tìm hiểu cả trăm, cả ngàn văn bản, trong đó trích ra từng câu, từng chữ, từ những Chỉ thị, từ những Nghị quyết có nêu vấn đề này để tìm ra một hướng đi. Rồi phải trải qua biết bao nhiêu kỳ phản biện, biết bao nhiêu kỳ trình bày để được UBND tỉnh đồng ý ban hành thí điểm, thí điểm phân quyền. Cho đến năm 2017 dự án triển khai thành công và báo cáo toàn quốc thì chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm, vỡ òa, sung sướng. Đó là một thành công và niềm hạnh phúc rất lớn khi chúng tôi quyết tâm làm, chấp nhận hiểm nguy, chấp nhận những cái có thể là bị xem xét về trách nhiệm để làm cho được, thể theo ý nguyện chính đáng của dân.

Điều tôi muốn nhấn mạnh đó là, ý tưởng của dân có thể đi trước những quy định của Nhà nước. Người dân đưa ra ý tưởng và những người quản lý phải bằng mọi cách làm sao để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp vướng mắc về pháp luật thì chúng ta là những người quản lý phải tìm ra được những vấn đề nào có lợi nhất để cho những ý tưởng đó triển khai thành hiện thực.

z5744184953149_861e8fda8aa7fbc3ba5dbb652be590aa.jpg
Ngư dân tái tạo nguồn lợi thuỷ san là sò lông

Phóng viên: Vâng, trong cái bối cảnh hiện nay trước những vụ việc xử lý cán bộ sai phạm, nó tạo ra một tâm lý e dè trong cán bộ, đảng viên và với việc ông đã từng trải qua một quãng thời gian, với những việc làm đột phá như vậy thì điều ông nhận thấy là gì, kinh nghiệm rút ra và điều ông muốn chia sẻ với những cán bộ trẻ?

Ông Huỳnh Quang Huy: Tôi thấy rằng, trong giai đoạn hiện nay với hàng loạt những vụ việc vi phạm mà bị xử lý đã gây ra một cái tâm lý e ngại cho những cán bộ, nhất là cán bộ trẻ. Tuy nhiên theo tôi, Đảng và Nhà nước đã có những quy định hết sức rõ ràng, chúng ta chỉ cần làm đúng và đừng bao giờ để lòng tham, sự cám dỗ của vật chất, nó làm sai lệch cái mục tiêu mà chúng ta đang hoạt động nhất là các đồng chí đảng viên. Tôi hay nói với những đảng viên trong Đảng bộ của mình rằng: Chúng ta bước vào đây, bước vào tổ chức này bằng một lời thề danh dự. Cho nên chúng ta phải chấp nhận cái danh dự của mình được đánh đổi bằng việc chúng ta thực hiện trong suốt quá trình sau khi chúng ta được kết nạp Đảng. Nếu chúng ta bỏ lời thề danh dự đó thì chúng ta mất hết. Bởi vì danh dự của một con người đã đưa ra để thề như thế mà chúng ta vi phạm và mất danh dự thì con người không còn gì nữa. Chúng ta bảo vệ danh dự của mình, chúng ta bảo vệ lời thề của mình, đồng nghĩa với việc chúng ta bảo vệ tổ chức Đảng của mình bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực. Chúng ta chỉ thực hiện đúng theo những quy định đó thôi, những điều không được làm, chúng ta không nên làm, thì chúng ta không sợ gì cả. Mặt khác, các bạn trẻ cần lưu ý là mục tiêu, việc làm của chúng ta là vì cái gì, nó có mang tính vụ lợi cá nhân hay không? Còn nếu vì cái chung, vì lợi ích của tập thể, lợi ích của người dân chúng ta cứ mạnh dạn làm.

Phóng viên: Dạ vâng, cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi!

Biển Thuận Quý hôm nay đã hồi sinh, ngư dân được no ấm. Thành quả ấy bắt nguồn từ “lá đơn” đã đến đúng nơi có những cán bộ quyết đoán, dám nghĩ, dám làm chuyện có lợi cho dân, vì dân. Hành trình “xé rào” vượt khó khăn vì dân phục vụ ấy, chính là sự khẳng định tinh thần trách nhiệm, mãi giữ trọn lời thề của người đảng viên đã hứa với Tổ quốc, với Nhân dân.

Mô hình mà ông Huỳnh Quang Huy đề cập ở câu chuyện trên là 1 trong 12 mô hình thành công nhất của Liên Hợp Quốc triển khai trên thế giới về hình thức bảo quản bảo vệ môi trường xanh, phát triển bền vững. Đặc biệt, dựa trên cơ sở thực tế tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nghiên cứu cách làm này, luật hóa thành một điều luật mới, điều 10 trong Luật Thủy sản năm 2017 và áp dụng thực hiện năm 2019 để triển khai rộng rãi trong cả nước. Đồng thời cũng từ mô hình thành công đầu tiên tại xã Thuận Quý cho đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã chỉ đạo nhân rộng mô hình này đối với 2 xã Tân Thành và Tân Thuận của huyện Hàm Thuận Nam, với gần 300 ngư dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản hơn 43 km2 biển ven bờ.

Bài 2: “Trách nhiệm - đang ở đâu?”

THANH NHÀN (THỰC HIỆN)


(1) Bình luận
Bài liên quan
Tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng
BTO-Trong những năm qua, cùng với sự chống phá trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… thì các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng mạng Internet, mạng xã hội để tuyên truyền chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với những thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyết tâm công phá “tảng đá” trách nhiệm