Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và cơ quan, đơn vị liên quan , riêng lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố họp trực tuyến tại địa phương.
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm nay trên địa bàn Bình Thuận tính đến giữa tháng 12/2023 là 3.413.574 triệu đồng, đạt tỷ lệ 70,53%. Trong đó có 5 chủ đầu tư giải ngân trên 80% kế hoạch vốn được giao, 10 chủ đầu tư giải ngân trên 64%, 7 chủ đầu tư đạt tỷ lệ trên 50% và 14 chủ đầu tư giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn, ngoài ra có 3 chủ đầu tư chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2023.
Tình hình thực hiện thời gian qua cho thấy các chủ đầu tư dù có nỗ lực, tuy nhiên xuất phát từ nhiều nguyên nhân nên kết quả giải ngân kế hoạch năm 2023 đến nay vẫn còn hạn chế. Nhân đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công trong thời gian cuối năm. Đồng thời thể hiện quyết tâm thực hiện hoàn thành mục tiêu giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 đạt tỷ lệ cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Trong phần thảo luận do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng điều hành, đại diện lãnh đạo một số địa phương (Bắc Bình, Phan Thiết, Phú Quý, Tánh Linh, Đức Linh) và chủ đầu tư là các sở, ban, ngành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp đã báo cáo tình hình thực hiện. Thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và trách nhiệm dẫn đến tình trạng tỷ lệ giải ngân thấp để qua đó trao đổi, kiến nghị giải pháp tháo gỡ nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế. Như về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thẩm định và phê duyệt hồ sơ dự án, xử lý tài sản trên đất, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư do thay đổi về chính sách, thông tư quy định...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh cần quyết tâm giữ vững mục tiêu giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 đã đề ra (đến mốc thời gian 31/1/2024 phải đạt tỷ lệ trên 95%). Theo đó bên cạnh việc tập trung chỉ đạo, các chủ đầu tư còn tăng cường kiểm tra, giám sát trực tiếp tại công trình nhằm giải quyết ngay vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của từng dự án.
Chỉ ra những tồn tại và hạn chế trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đề nghị các chủ đầu tư thể hiện quyết tâm, trách nhiệm và kịp thời có giải pháp khắc phục mà nhất là về nguyên nhân chủ quan. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư phát huy vai trò của cơ quan tham mưu, mặt khác trong công tác này cần phân loại các nhóm dự án (thuộc thẩm quyền của địa phương, Trung ương) để tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện giải ngân nguồn vốn. Còn các nhà thầu phải tích cực huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, khối lượng thực hiện đến đâu thì khẩn trương thực hiện thanh quyết toán đến đó…