BT- Bên cạnh chuyện tiền nong phát sinh, gây khó khăn, tình hình trễ hẹn này còn vì thời gian để hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của một dự án chăn nuôi phải mất từ 4 - 8 tháng…
Chăn nuôi heo ở Đức Linh. Ảnh: Ngọc Lân |
Bỗng dưng xuất hiện “cửa ải”?
Đã trễ hẹn với thời gian triển khai dự án tại quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh 7 tháng nay, nhưng Công ty TNHH Trang trại Ngọc Hân tại Tân Thắng (Hàm Tân) với dự án chăn nuôi heo mới nhận thêm thông tin phải 2-3 tháng nữa mới xong quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500. Kể từ lúc bị ngành chức năng chặn ở đoạn không thể cấp giấy phép xây dựng, vì thiếu quy hoạch chi tiết 1/500, công ty đã phải tìm đến đơn vị thực hiện công việc trên trong trạng thái bị bất ngờ. Bất ngờ vì khoản chi phí phát sinh ngoài kế hoạch này quá cao. Diện tích công ty có 12,3 ha, đơn vị tư vấn đo vẽ làm quy hoạch tính sơ với chi phí nhân công, ngày công… theo Thông tư 05/2016 của Bộ Xây dựng đã lên đến con số 640 triệu đồng. Sau khi tính toán mức giảm, công ty phải trả 460 triệu đồng. Bản vẽ chi tiết xong, tiếp đến lập hồ sơ nộp, sau đó mới có giấy phép xây dựng, đủ điều kiện cho dự án khởi công, tính ra chi phí mà công ty phải trả khoảng 700 triệu đồng. Một số tiền không hề nhỏ, lại là khoản phát sinh khi đã qua nhiều khâu, công đoạn quá dài của trình tự thủ tục hồ sơ khiến công ty này lúng túng. Dù vậy, nhờ làm dự án chăn nuôi để cho thuê theo hình thức như một khu công nghiệp thu nhỏ, hơn nữa hiện đã có một đối tác ở nước ngoài đăng ký thuê nên công ty cũng đã tính toán, sắp xếp xong khoản tiền trên.
Thực tế, không chỉ Công ty Ngọc Hân, trên địa bàn tỉnh có gần chục công ty đầu tư dự án chăn nuôi heo đã được chấp thuận đầu tư đang bị vướng khâu quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 này nên hầu hết đều đã, đang và sẽ trễ hẹn so với tiến độ đề ra. Bởi bên cạnh chuyện tiền nong phát sinh, gây khó khăn, tình hình này còn vì thời gian để hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 của một dự án chăn nuôi phải mất từ 4 - 8 tháng, tùy từng công ty tư vấn thiết kế thực hiện. Và vấn đề còn ở chỗ, các chủ đầu tư đã do dự, băn khoăn rằng có cần thiết lập quy hoạch chi tiết trên cho trang trại chăn nuôi không nên càng làm mất thêm thời gian nữa.
Vì trước không, sau lại làm?
Theo một số chủ đầu tư trang trại chăn nuôi heo, khi biết phải thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 thì ai cũng bất ngờ. Bởi vì những năm trước, Bình Thuận không bắt buộc các dự án chăn nuôi heo phải lập quy hoạch chi tiết. Ngay cả năm 2017, khi tỉnh kề bên là Đồng Nai bắt buộc các chủ dự án chăn nuôi trên địa bàn phải xây dựng cho được loại quy hoạch này thì Bình Thuận vẫn chưa có động thái gì. Ở các công đoạn như cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, lập dự án đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư… doanh nghiệp cũng không được nhắc đến chuyện quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500. Chỉ đến khi trình hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở các hạng mục công trình của dự án, Sở Xây dựng có ý kiến bằng văn bản thì mới biết phải có quy hoạch chi tiết, ngành chức năng mới cấp phép xây dựng được. Đó là lý do chính khiến các dự án chăn nuôi bị chậm tiến độ triển khai.
Mặt khác, nếu theo Thông tư 05/2016 của Bộ Xây dựng thì mỗi ha như thế có chi phí xây dựng quy hoạch lên đến 56 triệu đồng. Trong khi dự án nuôi heo thuộc đối tượng trên, tức từ 5 ha trở lên đều có diện tích trên dưới 10 ha, tính ra phải chi ít nhất 400-500 triệu đồng. Do đó, nhiều doanh nghiệp không xoay xở kịp. Trong bối cảnh giá heo đang tăng cao, các doanh nghiệp lại càng tính toán chuyện thiệt hơn, theo kiểu giá như dự án đã đi vào hoạt động. Vì thực tế, có số ít chủ đầu tư chăn nuôi đã xây trang trại 1 và hoạt động được vài năm ở huyện A không phải xây dựng quy hoạch chi tiết 1/500 thì mới đây làm dự án xây dựng trang trại 2 ở huyện B bị vướng quy hoạch này nên càng bức bối. Một số chủ đầu tư đã bức xúc làm tờ trình và nhiều lập luận bàn cãi chuyện có nên bắt các trang trại chăn nuôi làm quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 không, khi mọi chuyện ở trạng thái bổ sung, cũng như vì sao trước đây ở tỉnh không làm mà nay phải thực hiện khiến câu chuyện trở nên phức tạp…
Bích nghị
Bài 2: Cần thiết… để bảo vệ môi trường