Theo dõi trên

Ráo riết “vực dậy” giải ngân vốn đầu tư công

14/06/2024, 05:05

Mặc dù có nhiều nỗ lực, quyết tâm nhưng giải ngân đầu tư công của tỉnh vẫn chưa đạt mục tiêu đặt ra. Giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp mang tính động lực cho tăng trưởng kinh tế, vì vậy, UBND tỉnh vẫn đang tiếp tục quyết liệt đốc thúc.

Giải ngân vẫn thấp

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho Bình Thuận năm 2024 hơn 4.706,17 tỷ đồng, đến nay UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết 4.179,329 tỷ đồng, vẫn còn lại hơn 527 tỷ đồng chưa phân bổ. Ước đến hết tháng 5/2024 Bình Thuận mới giải ngân được khoảng 892 tỷ đồng, đạt 17,55% so với kế hoạch tổng vốn được giao, thấp hơn mức bình quân chung cả nước (23,34%).

Hiệu quả công trình đầu tư công thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: N.Lân

Qua tổng hợp đến ngày 20/5, các dự án do các UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư đã giải ngân 420,15 tỷ đồng, đạt 29,74% kế hoạch vốn giao (1.412,74 tỷ đồng). Trong đó, có 3 chủ đầu tư giải ngân trên 30% kế hoạch vốn: UBND thị xã La Gi (87,22%); UBND huyện Hàm Thuận Bắc (38,93%); UBND huyện Bắc Bình (36,55%). Còn lại 7 chủ đầu tư giải ngân dưới 30% kế hoạch gồm các địa phương TP.Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Nam, Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Tuy Phong và Phú Quý.

Đường ven biển 719B thuận lợi giao thương kết nối Phan Thiết

Đối với các dự án do 3 Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng cấp tỉnh làm chủ đầu tư được giao số vốn chiếm tỷ trọng cao trong tổng kế hoạch vốn cũng chỉ mới giải ngân 197,23 tỷ đồng, đạt 9,49% tổng kế hoạch vốn được giao (2.077,97 tỷ đồng). Trong đó Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh được giao số vốn lớn nhất hơn 1.213 tỷ đồng, hiện mới giải ngân hơn 99,33 tỷ đồng, đạt 8,19% kế hoạch… Ông Nguyễn Hữu Trung – Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: “Do vướng mắc giải phóng mặt bằng các dự án ảnh hưởng tiến độ giải ngân. Mặc dù Ban xác định khâu giải phóng mặt bằng là khâu rất quan trọng, trong quá trình triển khai Ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thực hiện nhưng do đặc điểm của các dự án giao thông có diện tích, chi phí lớn đã ít nhiều ảnh hưởng. Trong đó, vướng mắc chính ở các khâu liên quan đến hồ sơ địa chính, xác định giá đất, hồ sơ pháp lý, tranh chấp...”.

Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng chủ trì cuộc họp đầu tư công. Ảnh: N.Lân

Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh hiện giải ngân 33,595 tỷ đồng, đạt 8,34% kế hoạch vốn giao (402,84 tỷ đồng), ông Phan Đức Thanh – Giám đốc Ban QLDA thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chậm tiến độ như bên cạnh khó khăn trong quá trình triển khai có một số dự án giá trị lớn trình tự, thủ tục theo đúng quy định nên thời gian kéo dài so với dự vốn thấp. Mặt khác, giải ngân chậm còn do yếu tố chủ quan của chủ đầu tư về đơn vị tư vấn... Còn lại như Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT mới giải ngân 64,299 tỷ đồng, đạt 13,92% kế hoạch vốn giao (462,071 tỷ đồng)…

Phát động thi đua giải ngân đầu tư công nước rút 6 tháng cuối năm

“... Cấp ủy, các cơ quan đơn vị, địa phương nghiên cứu ban hành các chỉ thị, nghị quyết văn bản để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thúc đẩy giải ngân. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh phát động thi đua giải ngân vốn đầu tư công nước rút 6 tháng cuối năm”.

Đồng chí Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo (Ảnh N.Lân)

Cần giải pháp đột phá thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó tập trung ở khâu công tác chuẩn bị đầu tư dự án còn hạn chế. Một số nguyên nhân khác, vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư. Một số sở, ban, ngành, địa phương vẫn chưa quyết liệt, chưa sâu sát để xử lý, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân kế hoạch vốn. Năng lực quản lý dự án một số chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn, thiết kế còn hạn chế… Kết quả giải ngân 5 tháng đầu năm 2024 cho thấy vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, điều này sẽ tạo áp lực giải ngân vốn cho những tháng cuối năm.

Để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt kết quả cao nhất, trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chủ trì cuộc họp về nội dung này Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng đã chỉ đạo phải thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra; đồng thời nhấn mạnh cần phải có giải pháp đột phá, quyết liệt hơn nữa nhằm tháo gỡ những khó khăn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. “Người đứng đầu cần nắm vững, bám sát tình hình thực tế, thường xuyên kiểm tra, giám sát đánh giá tiến độ, tình hình triển khai theo kế hoạch và đánh giá cam kết giải ngân vốn đầu tư công. Từ đó, triển khai các giải pháp quyết liệt để thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chú ý tập trung cao độ đối với các dự án có vốn đầu tư lớn, công trình trọng điểm, nhất là ở các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, công nghiệp dân dụng. Các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân cần rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án để xác định rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc chậm triển khai…”, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát và đôn đốc các chủ đầu tư đã cam kết khối lượng giải ngân, khẩn trương phân khai hết số vốn còn lại. Thực hiện nghiêm vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...

THANH DUYÊN


(2) Bình luận
Bài liên quan
Triển khai công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
Chiều ngày 22/2, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp trực tuyến nghe báo cáo tổng kết công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và phương hướng, giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ráo riết “vực dậy” giải ngân vốn đầu tư công