Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế, chị Hạc ở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc theo đúng chuyên ngành đã học. Gần 20 năm lao động cần mẫn, nhưng thu nhập của gia đình không mấy ổn định nên năm 2015, hai vợ chồng chị Hạc quyết định trở về quê hương thôn 3, Hàm Liêm lập nghiệp. Nơi quê nhà, có đất rộng, thuận lợi cho phát triển kinh tế hộ từ nghề nông nghiệp. Qua tìm hiểu, nhận thấy nghề chăn nuôi heo rừng lai và heo đen theo hướng hữu cơ có nhiều triển vọng: Thứ nhất là đầu ra thuận lợi khi thị trường đang có nhu cầu về thịt heo rừng lai và heo đen có chất lượng thịt thơm ngon; thứ hai kỹ thuật nuôi khá đơn giản, dễ thực hiện; nguồn thức ăn tận dụng được từ các phụ phẩm hàng ngày, dễ tìm; không tốn nhiều công chăm sóc và ít tốn chi phí về thuốc phòng, chữa bệnh.
Từ những yếu tố trên, chị Hạc quyết định chọn nghề chăn nuôi heo rừng lai và heo đen theo hướng hữu cơ làm trụ cột phát triển kinh tế. Qua gần 7 năm thực hiện, trang trại chăn nuôi heo của chị Hạc cơ bản hoàn chỉnh. Cơ sở hạ tầng khu chăn nuôi được xây dựng với 21 chuồng nuôi. Ngoài ra, trên diện tích đất gần 2 ha xung quanh cơ sở chăn nuôi heo, chị trồng thêm 350 gốc mít nghệ Thanh Sơn, 150 cây dừa xiêm và 500 cây chuối xứ. Các sản phẩm phụ từ vườn cây này cũng góp phần phục vụ nguồn thức ăn xanh cho heo.
Hiện trang trại chăn nuôi heo của chị Hạc có 20 con heo nái và 2 con heo nọc giống. Trong đó, 16 con heo nái rừng lai và 4 con heo đen. Heo nái đẻ 2 lứa/năm, trung bình 8 con/lứa, mỗi năm 20 heo nái đẻ khoảng 320 con heo con. Từ số lượng heo này, nuôi xuất bán heo con giống và nuôi chuyên thịt, chị Hạc có thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm. Trong đó, xuất bán khoảng 100 con heo con giống cho nhân dân có nhu cầu chăn nuôi với giá 600.000 đồng/con, thu khoảng 60 triệu đồng; trừ hao hụt, xuất bán khoảng 216 heo thịt/năm, thu 540 triệu đồng. Nhờ áp dụng hình thức chăn nuôi tuần hoàn, khoa học vừa sản xuất con giống vừa nuôi heo thịt, gắn với giải quyết việc làm cho gia đình, lấy công làm lời nên sau khi trừ chi phí, gia đình chị Hạc thu lãi hơn 327 triệu đồng/năm.
"Thời gian đến, gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng thêm một cơ sở chăn nuôi heo rừng lai và heo đen chuyên thịt ở một địa điểm khác. Cơ sở hiện tại chỉ để sản xuất con giống" - chị Hạc chia sẻ thêm.
Chị Phạm Thị Mỹ Linh – Chủ tịch Hội LHPN xã Hàm Liêm cho biết: Qua theo dõi mô hình chăn nuôi heo rừng lai và heo đen của chị Hạc mang lại hiệu quả kinh tế; Hội Phụ nữ xã đã phát huy vai trò cầu nối, giúp hội viên phụ nữ ở địa phương tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để chăn nuôi heo rừng lai và heo đen phát triển kinh tế hộ.
Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn do giá cả vật tư đầu vào tăng, đầu ra của sản phẩm không ổn định như hiện nay, thì việc đầu tư trang trại chăn nuôi theo hướng hữu cơ theo hướng tuần hoàn của chị Hạc được xem là hướng đi mới cần được nhân rộng.