Ngoài ra, các nhà đầu tư về giáo dục, về thương mại dịch vụ cũng đã về đây xúc tiến đàm phán thuê mặt bằng… Thế nhưng, mùi hôi thối từ các trại chăn nuôi xung quanh các cụm công nghiệp vẫn còn chưa dứt, nhất là từ hướng trại heo Vissan…
Có “3 trong 1” ở Cụm công nghiệp Nam Hà
7h30 sáng ngày 2/10, tại cổng Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam (Cụm công nghiệp Nam Hà – xã Đông Hà, huyện Đức Linh) đã đông người cầm hồ sơ chen chúc xin việc, bất chấp trời đang mưa. Điều đáng chú ý, không chỉ lớp trẻ khoảng 18, 20 hoặc hơn mà còn có cả những người ở độ tuổi 50, 60 mong tìm có một công việc phù hợp ở nhà máy mà họ cảm nhận là lớn nhất từ xưa đến nay ở huyện này. Ai cũng háo hức nên đến đây từ sớm, trước cả khi công ty mở cửa. Một thanh niên khoảng ngoài 20 tuổi, tên Kỷ cho biết anh trai đang nộp hồ sơ bên ấy. Nhà ở xã Trà Tân qua công ty chỉ mất nửa tiếng đồng hồ nhưng 2 anh em dậy từ sớm qua đây cũng rất sớm nhưng đã thấy có nhiều người rồi. Kỷ kể, em học cao đẳng điện, đã làm ở TP. HCM 1 năm nhưng mới đây nghe gia đình bảo về quê làm, vì vừa gần nhà, vừa được hưởng mức lương như ở TP. HCM nên em về đây xin việc. Đứng bên cạnh là Tuấn ở xã Đông Hà cầm hồ sơ đứng lơ ngơ, cho biết em mới 18 tuổi vừa tốt nghiệp phổ thông, muốn xin 1 chân việc làm ở đây cho gần nhà.
Trong khi đó, người phụ nữ đã ở tuổi gần 60 nhưng nhìn vẫn còn rất nhanh nhẹn kể, chị từ xã Đức Hạnh mới qua thấy đông người quá và không biết hỏi ai để biết công ty có tuyển lao công không. Vì nhà máy lớn như thế này, nghe nói khuôn viên rộng hơn 70 ha nên rất cần nhiều người quét dọn. Cùng suy nghĩ ấy, một người phụ nữ khác đứng bên cạnh khoảng 50 tuổi cho biết chị rất mong có 1 chân tạp vụ ở đây. Trước đây, chị có hơn 10 năm đi may ở TP.HCM nhưng dần cảm thấy công việc ấy quá sức với bản thân đã lớn tuổi và cũng vì điều kiện gia đình nên chị về lại Đức Linh. Rất may là ở quê nhà bây giờ có công ty may giày này xuất hiện đã mở ra cơ hội cho chị xin việc.
Trong đám đông đang chen chúc nộp hồ sơ kia chắc chắn là có cả ngàn câu chuyện về lý do họ tập trung về đây. Chắc chắn chuyện bối cảnh 2 năm qua, các công ty ở những tỉnh, thành gần bên, vì bị đứt đơn hàng, không có đơn hàng đã xa thải nhiều công nhân, trong đó có người lao động ở Đức Linh, Tánh Linh là phổ biến. Trong cảnh khó ấy, tại quê nhà Đức Linh có Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam tuyển 7.000 lao động, ưu tiên lao động đã biết việc vào những tháng cuối năm 2023 này đã khiến người lao động ở khu vực 2 huyện này lẫn vùng giáp ranh Xuân Lộc (Đồng Nai) háo hức. Cái chính bởi chủ trương công ty mẹ của Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam là đều trả mức lương vùng 1, dù các nhà máy của đơn vị có nằm ở 3 vùng khác nhau. Đông Hà - Đức Linh thuộc vùng 4 nhưng người lao động trong nhà máy ở đây vẫn hưởng lương của vùng 1, tức TP.HCM… nơi mà lâu nay, người lao động ở Đức Linh, Tánh Linh bất chấp làm việc xa nhà để được hưởng. Có việc làm, lại gần nhà và đặc biệt nhận mức lương cao như ở TP. HCM là 3 điểm hấp dẫn khiến chỉ trong 4 ngày đầu tuyển dụng, Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam đã nhận 5.000 hồ sơ, đảm bảo kế hoạch sẽ khởi động các dây chuyền may của giai đoạn 1, bắt đầu từ ngày 15/10/2023.
Sức hút của ngày mai sầm uất
Trong khi đó, tại khu dân cư Nam Hà gần bên, nơi mà sắp tới, người dân và công nhân của các nhà máy ở các Cụm công nghiệp Nam Hà, Nam Hà 2, Đông Hà có thể an cư, thì các hạng mục hạ tầng cũng đang thu hút nhà đầu tư. Trước tiên phải nói đến là Trạm Y tế Nam Hà. Để đón đầu lượng công nhân đến 7.000 người sẽ vào làm việc tại nhà máy giày Nam Hà Việt Nam, vào đầu tháng 8/2023, Công ty TNHH MTV Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark, có tổng giám đốc cũng là chủ đầu tư đến từ Đài Loan, đã đầu tư dự án Bệnh viện Shing Mark tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai từ 10 năm trước, đã quyết định thuê hạ tầng và các công trình của Trạm Y tế Nam Hà để làm phòng khám chữa bệnh. Mục đích nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên làm việc tại các cụm công nghiệp xã Đông Hà, nhân dân ở khu vực huyện Đức Linh và các địa phương lân cận.
Tiếp đến là Vietcombank chi nhánh Bình Thuận đã đặt 9 máy ATM tại khu vực chợ Nam Hà – Đức Linh và chuẩn bị mở phòng giao dịch kế bên cũng để đáp ứng nhu cầu cho công nhân làm việc ở đây. Tương tự, trong ngày 5/10/2023, Công ty TNHH Nam Hà – Đức Linh, đơn vị đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và khu dân cư đã thông báo giảm 50% tiền thuê 28 kiot mặt tiền và miễn phí tiền thuê 156 sạp quầy bên trong cho những ai có nhu cầu mua bán tại chợ cho đến tháng 4/2024. Mục đích của đơn vị là để ổn định mặt bằng hoạt động cho bà con tiểu thương kinh doanh, buôn bán, phục vụ nhu cầu an sinh cho công nhân làm việc tại các cụm công nghiệp, đồng thời qua đó cũng tránh hình thành chợ tự phát. Hiện tại, các công ty xây dựng cũng đã tìm đến khu dân cư Nam Hà đặt văn phòng để bắt đầu đón nhu cầu xây dựng nhà của người dân, công nhân tại các khu dân cư Nam Hà, Nam Hà 2. Ngoài ra, các nhà đầu tư về giáo dục, về thương mại dịch vụ cũng đã về đây xúc tiến đàm phán thuê mặt bằng… Không lâu nữa, ngay thôi gần như ngày mai, khu vực này sẽ sầm uất, trỗi dậy sắc xanh của kinh tế mới.
Thế nhưng, mùi hôi thối từ các trại chăn nuôi xung quanh các cụm công nghiệp vẫn còn chưa dứt, nhất là từ hướng trại heo Vissan. Theo luồng gió, mùi hôi xuất hiện tại khu vực có kinh tế xanh đang trỗi dậy này vẫn nồng nặc. Sau chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải, UBND huyện Đức Linh đã thành lập tổ giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động chăn nuôi các trang trại gần cụm công nghiệp, khu dân cư Nam Hà, xã Đông Hà vào cuối tháng 7/2023. Từ đó đến nay, nhà đầu tư, người dân vẫn báo về tổ là còn mùi hôi thối phát tán ra môi trường. Vì sao vẫn chưa dứt?
Bài 2: Bên nhiệt tình khắc phục, bên đòi hỗ trợ