Theo dõi trên

Sắc xanh ở vùng quê Phú Lạc

06/10/2023, 05:39

Chúng tôi về thăm xã nông thôn mới Phú Lạc (Tuy Phong) trong tiết trời thu tháng 8. Đi giữa xóm làng với bao ngôi nhà khang trang kiến trúc đẹp, những con đường bê tông chạy dài sạch sẽ… làng quê bình yên đã khoác lên mình chiếc áo mới.

Gặp gỡ người dân mới biết chuyện xây dựng nông thôn mới ở Phú Lạc không chỉ đem đến cho người dân cách nghĩ, cách làm ăn hiệu quả mà còn phát huy tốt hơn những tiềm năng, thế mạnh sẵn có ở một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa đặc sắc.

Phát huy vai trò chủ thể

Gặp chúng tôi, sư cả Thường Xuân Hữu ở thôn Lạc Trị bày tỏ cảm xúc “Bà con đồng bào ai cũng vui mừng, phấn khởi vì xã đạt chuẩn nông thôn mới”. Theo vị sư cả cũng là Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn tỉnh Bình Thuận thì khi triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới ở xã Phú Lạc, bà con trong xã rất đồng thuận, bởi ai cũng hiểu rằng mình vừa là chủ thể vừa là người thụ hưởng. Chính điều đó đã khơi dậy được tinh thần chủ động, hành động tích cực của bà con, không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

dsc_8917.jpg
Ảnh: Đ.Hòa

Hôm diễn ra Lễ công bố xã Phú Lạc đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, lãnh đạo UBND huyện Tuy Phong cho biết, thành công của Phú Lạc là vận dụng tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng thụ”. Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong Võ Đức Thuấn nhận xét, trong xây dựng nông thôn mới, Phú Lạc dựa vào nội lực, phát huy được tính tự chủ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ðiều đáng ghi nhận là có sự góp sức của những người có uy tín trong cộng đồng, trong đó nhiều chức sắc đã tuyên truyền, vận động bà con yên tâm ra sức làm ăn và cùng chung tay với chính quyền vận động xây dựng nhiều công trình dân sinh, kinh tế-xã hội phục vụ đời sống nhân dân tốt hơn.

Lần giở lịch sử Phú Lạc, chúng tôi biết trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc, xã Phú Lạc là một trong những địa bàn trọng điểm mà địch đánh phá. Vượt qua bao mất mát hy sinh, đồng bào các dân tộc đã đoàn kết một lòng theo Đảng làm cách mạng, giành độc lập tự do cho quê hương, đất nước. Giờ đây, chính truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết đó tiếp tục phát huy, tạo nên sức mạnh để nhân dân “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, xây dựng quê hương Phú Lạc khởi sắc như ngày hôm nay.

Sắc xanh ở vùng quê

Anh Qua Tứ Chuyến - Bí thư chi bộ thôn Lạc Trị, một người con của dân tộc Chăm cho biết trước đây, thôn Lạc Trị còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập bình quân đầu người thấp. Giao thông còn những con đường đất, đi lại rất khó khăn vào mùa mưa… “Sau 10 năm, cuộc sống của bà con trong thôn đã hoàn toàn đổi khác. Nhà ai cũng ruộng vườn, cây trái xanh tươi, có của ăn của để”- anh Chuyến nhận xét. Anh Chuyến kể, thời kỳ đỉnh cao người dân trong thôn thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi bò, dê và trồng thanh long, nho, táo… Đặc biệt, nhiều người bỏ vốn đầu tư máy móc kết hợp với làm thêm dịch vụ nông nghiệp từ khâu làm đất, gặt hái, vận chuyển, phân thuốc đến đầu mối thu mua nông sản… nên vẫn thừa để trang trải chi phí sinh hoạt cho một gia đình ở nông thôn.

Hỏi ra mới biết, sở dĩ người dân Phú Lạc những năm qua có điều kiện tập trung phát triển mạnh kinh tế là bởi hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư bê tông hoặc nhựa hóa toàn bộ, cùng với các tuyến đường xuyên nội đồng, kênh mương thủy lợi phát huy hiệu quả. Hệ thống điện thắp sáng, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn…đều được đầu tư mạnh mẽ đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và phát triển kinh tế.

Anh Mai Đức Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lạc cho biết, xã có 9.077 khẩu, sinh sống ở 3 thôn Phú Điền, Lạc Trị, Vĩnh Hanh, trong đó phần lớn là dân tộc Chăm. Từ năm 2012 đến nay, xã đã huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới hơn 165,3 tỷ đồng, tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Theo anh Nghĩa-Phó Chủ tịch UBND xã đến nay xã đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Các tiêu chí về giao thông, văn hóa, trường học, y tế, thôn, chợ, nhà ở, nước sạch, môi trường, hợp tác xã… đều khá tốt. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng qua từng năm, đến nay được 44,3 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,9%, thấp hơn mức quy định.

Với lợi thế về địa hình sông suối, thủy lợi, đất đai màu mỡ và nguồn lao động sáng tạo, cần cù…đã tạo cho Phú Lạc một vị thế nổi bật trong sản xuất nông nghiệp, trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm của huyện Tuy Phong hiện nay và kể cả trong thời chiến tranh. Bước chân trên những con đường xuyên nội đồng, những tuyến kênh mương bê-tông được đầu tư bài bản, chúng tôi thật sự ấn tượng về diện mạo phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở nơi đây. Đứng giữa cánh đồng lúa Lạc Trị đang thì con gái xanh mơn mởn, cùng với những vườn nho Hồng Nhật, táo… đung đưa quả ngọt, tôi thấy lòng mình mát rượi. Như để tôi hiểu thêm, anh Mai Đức Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lạc bảo xã rất chú trọng đến các mô hình khuyến nông, không chỉ là tập huấn, hướng dẫn cho nông dân về tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn hỗ trợ cho nông dân biết tìm hiểu thông tin, phân tích, đánh giá thị trường, bảo quản nông sản, thậm chí là hướng người nông dân tham gia làm dịch vụ nông nghiệp. “Mấy vụ rồi do giá phân bón tăng cao, vật tư nông nghiệp và diễn biến thị trường không thuận lợi, nhưng bà con vẫn có thu nhập khá, ai cũng vui” – ông Nghĩa bộc bạch.

Tôi biết, làm nông nghiệp thì câu chuyện “cần câu và con cá” luôn là những trăn trở của chính quyền và nông dân, song ở Phú Lạc là minh chứng sinh động thể hiện kết quả của sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới. Đưa tay chỉ ra cánh đồng xanh ngát, anh Nghĩa cười vui vẻ, nói “Có cần câu rồi, nông dân chúng tôi sẽ câu được nhiều cá hơn, cá càng to càng mừng”.

Về Phú Lạc, vùng quê yên bình trong tiếng cười trong trẻo, hiếu khách. Mọi người chí thú làm ăn, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự ở xóm làng, trong đó các vị sư cả, chức sắc luôn gương mẫu, khuyên bảo trong họ tộc, con cháu sống đoàn kết, hòa thuận, hiếu nghĩa. Điều đáng mừng đó là người dân Phú Lạc luôn giữ gìn và phát huy truyền thống hiếu học, truyền thống văn hóa tự ngàn xưa. Các đền, tháp, miếu, chùa ở đây đều là những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang đậm tinh thần dân tộc; không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo mà còn phản ánh sức phát triển kinh tế, đời sống văn hóa và tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước của người dân Phú Lạc.

Theo các vị chức sắc, dân tộc Chăm và các dân tộc khác ở Phú Lạc sống rất gần gũi, cộng canh cộng cư với nhau, dựa lưng vào nhau trong mọi sinh hoạt để hỗ trợ cho nhau một cách thiết thực và thân tình. Chính sự hỗ trợ này khiến cho cư dân Chăm và các dân tộc khác xích lại gần nhau hơn, như một bổ sung tự nhiên trong cuộc sống. Một cuộc sống có sự tương hỗ hài hòa như thế đã tạo nên những luồng giao lưu và tiếp biến văn hóa về mọi mặt giữa các dân tộc như về ăn, mặc, về ngôn ngữ, về tôn giáo, tín ngưỡng… Đặc biệt, trải qua bao năm tháng thăng trầm lịch sử đã tác động đến tâm tư tình cảm và thử thách rèn luyện con người nơi đây xuyên suốt chiều dài lịch sử qua các thế hệ, người dân Phú Lạc luôn nêu cao truyền thống đoàn kết, tinh thần tự lực tự cường, chung sức chung lòng, xây dựng và vun đắp những truyền thống tốt đẹp trong lao động sản xuất và đời sống, trong chiến đấu, trong đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên khắc nghiệt để vượt lên đói nghèo, lạc hậu.

Chia tay Phú Lạc - vùng đất của sắc xanh và ấm no. Lễ hội Katê đã về, làng quê sẽ vui hơn với những vũ điệu Chăm duyên dáng, uyển chuyển, cùng tiếng trống Ghinăng, Paranưng bập bùng, tiếng kèn Saranai réo rắc… làm say đắm lòng người.  

KÝ SỰ CỦA MINH CHIẾN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tánh Linh: Hơn 3 ha cây trồng bị ngập do mưa lớn, ước thiệt hại 2,5 tỷ đồng
BTO-Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN huyện Tánh Linh vừa cho biết, cơn mưa lớn trong ngày 2/10 vừa qua đã gây ngập trên 3 ha cây trồng, gồm cây cao su giai đoạn đang khai thác, tràm và cây ăn trái. Mực nước ngập sâu cao 0,5 -1 m, trong đó có khoảng 0,7 ha mực nước ngập sâu cục bộ trên 2m. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng.
Nổi bật
Ẩm thực góp phần nâng tầm du lịch
Ẩm thực là một trong những yếu tố quan trọng góp phần “thành bại” cho ngành du lịch. Trong thời gian qua, nền ẩm thực đã góp phần nâng tầm du lịch Bình Thuận lên tầm cao mới. Phan Thiết đang chuẩn bị đưa vào hoạt động “phố ẩm thực” ở khu vực đường Nguyễn Tất Thành – Tuyên Quang – Thủ Khoa Huân là sự kiện đang được nhiều người mong đợi.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sắc xanh ở vùng quê Phú Lạc