Lấy măng le |
Nói đến măng khô là nói đến vùng măng từ Đông giang, Đông Tiến, La Dạ, Đa Mi (Hàm Thuận Bắc). Ở Tuy Phong có Phan Dũng, còn ở Tánh Linh có La Ngâu, đây là những xã còn nhiều rừng tre nên mỗi năm người dân thu hoạch cả chục tấn măng tươi về phơi khô. Ở Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc măng khô rất nhiều loại, khu vực Bắc Ruộng, Đức Thuận, La Ngâu, Đông Giang, La Dạ nhiều người để măng nguyên miếng được xẻ như bàn tay trông rất đẹp mắt. Măng le, măng đá khi phơi đạt nắng có màu vàng ươm nhìn vừa đẹp lại có chất lượng cao nên khi kho tàu với thịt ba rọi thì khỏi chê vào đâu được. Ngược lại, khu vực Măng Tố đồng bào dân tộc thiểu số K’ho hay lấy đọt măng trúc về xẻ nhỏ rồi phơi khô nên nhìn cọng măng không được đẹp mắt. Tuy vậy, với người biết ăn măng khô thì đây mới là “hàng hiệu” bởi măng không bị pha tạp chất, không “độn” măng già vào và hơn hết là khi hầm măng đọt khô mềm, ngon hơn một số măng khác.
Măng le khô rất ngon nhưng không bằng măng trúc, bởi măng trúc có độ dai nhưng mềm, ngọt và hơn nữa là khi lấy măng trúc để phơi đa phần người làm đều lấy đọt nên khi nấu măng dễ thấm gia vị và ăn không bị “xảm” miệng. |
Hầm nồi măng khô với thịt heo ba rọi, củ hành hay có người biến tấu thêm khi cho nước dừa tươi vào hầm măng… vào dịp Tết Nguyên đán là nét ẩm thực rất riêng của người Bình Thuận. Những người con đi xa quê để học hành, làm việc ngày tết được trở về sum họp gia đình, trong không khí đầm ấm sáng mùng 1 đầu năm gia đình quây quần bên bàn ăn với nồi măng hầm thịt, một ít rau sống cuốn bánh tráng nhâm nhi cùng câu chuyện đầu năm tươi đẹp, an lành, hạnh phúc…
Trần Thi