Theo dõi trên

Sản xuất - an cư “xanh” ở vùng giáp ranh

19/01/2025, 05:41

Các nhà đầu tư thứ cấp được lựa chọn vào, doanh nghiệp nước ngoài có , trong nước có nhưng đều giống nhau là chuộng sản xuất xanh và có cam kết bảo vệ môi trường, đã lấp đầy trên 90% diện tích của các cụm công nghiệp ở Đông Hà, Đức Linh.

Tự chủ… điện, nước

Những ngày cuối năm này, có 2 tin vui về nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống và sản xuất ở xã Đông Hà, huyện Đức Linh là 2 nhà máy điện, nước của Công ty TNHH Nam Hà – Đức Linh bắt đầu đi vào hoạt động. Ở vùng giáp ranh này, vì xa trung tâm huyện Đức Linh nên lâu nay, việc kéo điện, kéo nước cho sinh hoạt thông qua những dự án công lẫn tư cho thấy rất tốn kém và nhọc nhằn. Bây giờ, điện, nước vẫn có nhưng vì phải truyền tải xa nên lắm lúc, việc sử dụng nước cũng yếu, điện sinh hoạt cũng chập chờn. Thế nên, để có điện, nước sạch cho sản xuất công nghiệp, nhất là trên địa bàn xã Đông Hà có đến 3 cụm công nghiệp và thêm các khu dân cư sắp hình thành thì phải đầu tư các nhà máy này tại xã, có công suất lớn thì mới giải quyết được vấn đề.

z6177120346892_bea998b66d5e35d00fd0f52e573f5974.jpg

Đầu năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã có các Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Công ty TNHH Nam Hà – Đức Linh để thực hiện nhà máy nước Đông Hà với công suất 3.000m3/ngày đêm; Trạm biến áp 110KV Đông Hà và đường dây 110KV đấu nối. Cả 2 đều được xây dựng tại thôn 2A, xã Đông Hà, huyện Đức Linh, tức ở bên kia tuyến ĐT 766, lùi về gần sông La Ngà, trong khi các cụm công nghiệp ở bên này, thôn Nam Hà. Nếu so sánh thì gần hơn nhiều so với kéo điện, nước từ huyện Xuân Lộc - Đồng Nai qua. Và hơn thế như nhận định của chủ đầu tư 2 nhà máy này là đầu tư nhà máy điện, nước tại xã không lợi nhuận bằng các hình thức kinh doanh khác nhưng thu về nhiều giá trị khác lớn hơn, nhất là an sinh ở vùng giáp ranh. Đó là tự chủ được điện, nước, cũng là góp phần quyết định sự ổn định sản xuất của những nhà máy tại các CCN trên địa bàn…

Đúng như nhận định trên, bắt đầu từ tháng 9/2023, khi 2 nhà máy điện, nước trên đang thi công, các nhà máy sản xuất tại các cụm công nghiệp (CCN) Nam Hà, Nam Hà 2 phải dùng điện, nước kéo từ huyện Xuân Lộc - Đồng Nai qua, đã rơi vào cảnh bất ổn. Các nhà máy ở đây luôn đối diện với cảnh điện cúp bất ngờ, nhiều lần trong tháng, làm phá vỡ kế hoạch các đơn hàng, gây hư hỏng sản phẩm. Và cả đối diện nguy cơ bị cúp nước dài ngày, do hồ núi Le (Xuân Lộc) bị khô hạn. Thế nên, năm 2025, ở vùng giáp ranh này bắt đầu tự chủ được điện, nước, không chỉ là quyết định cho đủ đầy, khi các CCN đã hội tụ sản xuất xanh mà còn là niềm vui lớn, trong bối cảnh đã tạo thêm sức hút cho an cư lạc nghiệp.

z6177121346104_10cc5efdf3aaaeba6044477a4429d66e.jpg

Đã đủ mọi việc

Cuối tháng 12/2024, dự án Nâng cấp, mở rộng Đường Z30A với kế hoạch mở rộng nền đường lên 18m kéo dài 8km, có đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước… đã được UBND huyện Đức Linh khởi công. Phần đất mà 343 hộ dân đã hiến cũng đã được bàn giao đơn vị thi công trước đó, còn 3 hộ với hơn 300 m2 không đồng ý hiến thì huyện đang làm các thủ tục theo quy trình để đền bù. Cái chính là vừa thi công vừa triển khai đền bù để cuối năm 2025 tuyến đường này phải xong, bảo đảm cho nhu cầu lưu thông vào lúc cao điểm sau này với 35.000 công nhân của các nhà máy tại các cụm công nghiệp Nam Hà, Nam Hà 2, Đông Hà.

Song song với tuyến đường Z30A là tuyến đường Đông Hà – Gia Huynh nối đường ĐT 766 vào các cụm công nghiệp trên với huyện Tánh Linh đã được nâng cấp từ 2-3 năm trước với nền đường rộng 12m, cũng nhờ sự đồng lòng hiến đất của 300 hộ dân. Duy chỉ 1 hộ nằm trên đường ĐT 766 là đòi bồi thường nên đã kéo dài thời gian dự án, khiến trong kỳ họp đầu tháng 12/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trên thực hiện đến hết năm 2025. Và theo kế hoạch quý 1/2025 này, sẽ có giá đất cụ thể để áp giá đền bù cho hộ trên, đồng thời khởi công nút giao quan trọng này, bảo đảm cho xe container chở hàng hóa ra vào các CCN thuận lợi.

z6177118508685_4c77a7e293688b6b8def4c528101c0b3.jpg

Vậy là những gì khó nhất của đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các CCN ở Đông Hà, tỉnh, huyện, nhà đầu tư hạ tầng đã nỗ lực thực hiện và đến thời điểm này đã giải quyết xong. Các nhà đầu tư thứ cấp được lựa chọn vào, doanh nghiệp nước ngoài có, trong nước có nhưng đều giống nhau là sản xuất xanh và có cam kết bảo vệ môi trường, đã lấp đầy trên 90% diện tích của các CCN. Trong khi đó, các khu dân cư Nam Hà, Nam Hà 2 kề bên, mang trọng trách an cư cho hàng nghìn công nhân, hiện đã được xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh theo tỷ lệ 1/500 với đầy đủ các hạng mục như đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, cây xanh… và các công trình công cộng như công viên thể dục thể thao, trường học, trạm y tế, khu phức hợp mua sắm, khu dịch vụ ăn uống, shophouse… khang trang và hiện đại. Các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư về giáo dục, y tế, thương mại dịch vụ cũng đã về đây xúc tiến đàm phán thuê mặt bằng.    

Sau 50 năm giải phóng, tại vùng giáp ranh của huyện Đức Linh đã hình thành mô hình sản xuất - an cư “xanh” không phải nơi nào cũng có được, tính đến thời điểm này.

HANH THÔNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phát huy giá trị đa dụng của rừng xu thế tất yếu!
Phát triển các giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng như loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng từ rừng, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu quý dưới tán rừng…Đây là những xu thế đã và đang được Việt Nam cũng như các nước trên thế giới chú trọng. Với Bình Thuận, từ “điểm mở” trong Nghị định 91/2024 của Chính phủ, tỉnh đang từng bước triển khai các phương án tối ưu để phát huy tính đa dạng của rừng, đa dạng loại hình du lịch tại địa phương…
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản xuất - an cư “xanh” ở vùng giáp ranh