Cách làm mới
Những ngày cuối tuần của tháng 6, vườn cây ăn trái có diện tích hơn 5 ha của bà Chu Thị Xuân Mai (thôn Đa Tro, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc) nhộn nhịp khách ra vào tham quan và mua sản phẩm. Bà Mai cho biết, thay vì bán bơ, sầu riêng, măng cụt… cho thương lái theo kiểu truyền thống trước đây, thì 3 năm nay gia đình bà đã tự bán sản phẩm tại nhà. Nhiều khi, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho khách tham quan. “Vườn của gia đình khá rộng với nhiều loại trái cây, lại có thác nước bên trong rất đẹp, vì vậy, tôi quyết định làm mô hình du lịch sinh thái vườn. Cách làm này vừa giúp tôi thu được tiền vé, vừa bán được trái cây một cách dễ dàng”, bà Mai chia sẻ.
Theo đó, bà Mai đã đầu tư nhiều tiểu cảnh, chỗ nghỉ chân cho du khách, đồng thời hướng đến sản xuất sạch, nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm một cách thuận lợi hơn. Với 30.000 đồng/vé cho một người, khu vườn của bà thu hút đông đảo lượng khách đến tham quan và mua sản phẩm. Trung bình mỗi tuần bà Mai đón từ 200 - 300 khách. “Người này chia sẻ với người kia, nên số lượng khách tìm về vườn trái cây của tôi ngày một nhiều. Khách vào vườn, tôi sẽ dẫn họ đi tham quan, giới thiệu quy trình trồng và chăm sóc, một số loại trái cây cho khách nếm thử miễn phí trước khi mua. Khách mua về làm quà, tôi thường tính tiền bằng hoặc thấp hơn giá bán cho thương lái, ai cũng vui vẻ”, bà Mai cho biết thêm.
Tương tự, nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Sơn (thôn Đa Tro, xã Đa Mi) cũng đã áp dụng mô hình này. Cách làm này giúp gia đình anh không phải bán trái cây cho thương lái mà vẫn có nguồn thu ổn định. Anh Sơn cho biết, gia đình có 2,5 ha vườn cây ăn trái trồng sầu riêng, măng cụt, bơ… Năm nào được giá, thì có lợi nhuận, thế nhưng có những năm dội hàng, giá rẻ thì lỗ cả công chăm sóc. Từ khi áp dụng mô hình du lịch vườn, gia đình anh không lo đầu ra sản phẩm, nông sản vẫn được tiêu thụ tại chính vườn của mình. “Thế nhưng, để làm được mô hình này, đòi hỏi mỗi nhà vườn chúng tôi phải hướng đến sản xuất sạch. Bởi du khách rất quan tâm đến vấn đề này”, anh Sơn nói.
Đến tham quan vườn trái cây của bà Mai vào dịp cuối tuần, chị Hồng Diễm (xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết, đây là lần đầu tiên chị đến thăm mô hình du lịch như thế này. Được hòa mình vào môi trường trong lành của vườn cây ăn trái, được chia sẻ về quy trình sản xuất, được thưởng thức vị ngọt của những loại trái cây ngay tại vườn… đã mang lại một cảm giác vô cùng thú vị. “Tôi mua rất nhiều trái cây mang về. Trong đó, đặc biệt là sầu riêng rụng, sạch không qua nhúng thuốc nên cảm giác rất an toàn, thích thú. Chắc chắn tôi sẽ quay trở lại nơi đây vào mùa trái cây chín năm sau”, chị Diễm cho hay.
Cần nhân rộng
Được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nguồn nước, Đa Mi trở thành “thủ phủ” của nhiều loại cây ăn trái thơm ngon có tiếng, đặc biệt là “sầu riêng Đa Mi” đã trở thành thương hiệu. Hiện nay, toàn xã Đa Mi có 835 ha sầu riêng, 610 ha bơ, 205 ha mít và 52 ha măng cụt… Những năm qua, nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất nên sản lượng các loại trái cây tăng cao. Nhờ đó, đời sống của người dân nơi này ngày càng được nâng lên.
Ông Nguyễn Anh Toàn, Chủ tịch UBND xã Đa Mi cho biết, hiện có khoảng hơn 10 hộ dân trên địa bàn xã sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái. Vào những ngày nghỉ hoặc cuối tuần du khách ở các địa phương khác tìm tới tham quan và mua nông sản tại vườn rất đông. Đây là hướng đi tích cực, giúp nhà nông tiêu thụ được sản phẩm. Tuy nhiên để mô hình này phát triển bền vững cần có sự quy hoạch hợp lý, sự liên kết giữa những nhà nông làm vườn…
Để hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp, kết hợp du lịch ông Toàn cho biết thêm: “Chính quyền xã phải làm tốt công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch ở lĩnh vực du lịch để định hướng người dân. Đồng thời, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực này; tuyên truyền cho người dân sản xuất trái cây, các mặt hàng sạch và an toàn, tạo thương hiệu cho trái cây Đa Mi để du khách an tâm khi mua sản phẩm. Ngoài ra, địa phương sẽ định hướng người dân, trong quá trình sản xuất cũng phải gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái ở Đa Mi để tạo cảnh quan thẩm mỹ thu hút du khách”.
Cũng theo ông Toàn, xã Đa Mi mới thành lập mô hình HTX trái cây, mô hình này sẽ phát huy hiệu quả để nhân dân biết tới và sẽ đi vào chuỗi liên kết sản xuất cho hiệu quả hơn.
Có thể nói, nếu chỉ phát triển kinh tế nông nghiệp đơn thuần, người nông dân sẽ chỉ có một đầu ra cho sản phẩm của mình là bán cho thương lái. Tuy nhiên, nếu biết vận dụng và kết hợp với du lịch trải nghiệm, sản phẩm của họ sẽ được tiêu thụ ở nhiều kênh khác nhau. Đặc biệt du khách sẽ trở thành một kênh hữu hiệu giúp quảng bá những đặc sản của các địa phương khi họ đến. Từ thực tế kết hợp này, không chỉ ở Đa Mi, mà các địa phương khác trong tỉnh cần đề ra chương trình, kế hoạch cụ thể để gắn kết liên ngành, tạo ra hướng đi mới nhiều triển vọng cho sản phẩm nông nghiệp đặc thù của mình.