Quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế
Phải khẳng định rằng, trong 6 tháng đầu năm 2022, các ngành dịch vụ như thương mại, lưu trú, ăn uống, vận tải... đang trên đà phục hồi. Riêng ngành du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022, đón 2.390 ngàn lượt khách, đạt 53,7% so kế hoạch năm, tăng 13,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó, khách du lịch quốc tế 25,8 ngàn lượt khách, tăng 30,3%, khách nội địa 2.364 ngàn lượt khách, tăng 39,3% so cùng kỳ năm trước, doanh thu từ du lịch 4.489 tỷ đồng, đạt 42,4% kế hoạch năm, tăng 17% so cùng kỳ. Kết quả đó được thể hiện ngay từ đầu năm 2022, các chương trình kích cầu, bình ổn giá của tỉnh cũng như các đơn vị kinh doanh vẫn được duy trì hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… đã linh hoạt các giải pháp phù hợp để ổn định phát triển hoạt động kinh doanh, chủ động đón đầu xu hướng bình thường mới để khai thác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm dịch vụ…
Bên cạnh đó, tỉnh còn thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Tăng cường công tác quản lý, điều hành, theo dõi sát diễn biến thị trường, tham mưu điều tiết kịp thời, đảm bảo cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý. Vận động thu hút các tập đoàn, công ty phân phối nước ngoài vào đầu tư kinh doanh các loại hình bán buôn, bán lẻ quy mô lớn và hiện đại. Đặc biệt, Bình Thuận cùng với cả nước đã thực hiện mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn đã tạo đà tích cực cho sự phục hồi ngành thương mại, dịch vụ và du lịch. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng đã có những chủ trương, chính sách kịp thời hỗ trợ khó khăn đối với doanh nghiệp, người lao động cũng như các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới.
Có thể thấy, trong bối cảnh ngành du lịch của tỉnh đã thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái dần thích ứng với bối cảnh bình thường mới, sớm phục hồi du lịch, thương mại và dịch vụ bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép’’ vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Khách du lịch nội địa đã tăng cao, kéo theo là thương mại và dịch vụ cũng tăng theo đã khẳng định cho việc triển khai đúng hướng các hoạt động du lịch an toàn thời gian qua và sự sẵn sàng cho việc mở lại hoạt động du lịch giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Bình Thuận từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Đây là tín hiệu đầy khả quan về chặng đường phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ của ngành du lịch của tỉnh trong năm nay, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch và lộ trình mở cửa cho du lịch quốc tế.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Theo dự báo, kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng trong năm 2022 chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, quá trình phục hồi không vững chắc và còn chứa đựng nhiều rủi ro. Sự phục hồi kinh tế của tỉnh có thể đạt được nhờ tỷ lệ tiêm chủng Covid - 19 cao, chuyển hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong kiểm soát dịch bệnh, thương mại tiếp tục mở rộng và chương trình phục hồi nhưng lại gặp phải khó khăn là một số mặt hàng tăng giá quá cao, nhất là mặt hàng xăng dầu và vật liệu xây dựng sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển nền kinh tế. Thực tế trong quá trình phục hồi du lịch, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp phải không ít khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là vấn đề nguồn nhân lực. Do đó, cùng với sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc chuyển đổi số để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với các sản phẩm, dịch vụ mới áp dụng công nghệ... Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp, hướng đến mô hình vận hành, quản lý hiện đại, chuyên nghiệp. Tăng cường liên kết giữa các bộ phận, thúc đẩy hoạt động tiếp cận khách hàng, thị trường từ xa, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí vận hành, tăng doanh thu và lợi nhuận nhằm để bắt kịp xu hướng phát triển du lịch trong tình hình mới. Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú chất lượng dịch vụ chưa cao bởi lý do, quá trình du lịch bị “đóng băng” trong thời gian dài, cơ sở vật chất xuống cấp, doanh nghiệp không có nguồn kinh phí tu sửa, chỉnh trang, đầu tư mới, thiếu hụt nhân lực chất lượng. Mặt khác, ở thời điểm hiện tại, mọi chi phí đều tăng mạnh, đẩy giá thành dịch vụ lên cao cũng khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn…
Để chung tay gỡ khó với tỉnh, đòi hỏi các sở, ban, ngành và địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2022 theo Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các quyết định UBND tỉnh giao sở, ngành và địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, dự toán ngân sách nhà nước và quốc phòng, an ninh năm 2022 đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ đề ra. Với những ưu thế về tài nguyên du lịch, sự phát triển của hệ thống hạ tầng, dịch vụ, quan điểm, cách nhìn mới trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, cùng với sự chung tay gỡ khó cho doanh nghiệp, chắc chắn Bình Thuận sẽ ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của các du khách cũng như những nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực du lịch, dịch vụ và thương mại...