Theo dõi trên

Sản xuất thanh long VietGAP: Nguy cơ “giậm chân tại chỗ”?

30/07/2021, 08:28

BT- Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, trong nửa đầu năm 2021, công tác đánh giá cấp chứng nhận thanh long VietGAP gặp rất nhiều khó khăn. Ðến đầu tháng 7/2021, diện tích chứng nhận mới toàn tỉnh được 10 ha/1 cơ sở, đạt 1,09% so với chỉ tiêu diện tích cấp mới tỉnh giao là 915 ha. 

Rào cản

Những năm qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh rất quan tâm đến chương trình VietGAP. Thông qua việc tập trung tuyên truyền, vận động người dân nên đã có rất nhiều hộ trồng thanh long kinh nghiệm tham gia chương trình VietGAP. Thực tế cho thấy nhận thức của nông dân ngày càng cao và đang hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn như GlobalGAP, sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ. Kết quả, trong số hơn 33.700 ha thanh long toàn tỉnh, đến thời điểm này đã có trên 11.400 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và hơn 500 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Tuy vậy, lâu nay những tồn tại, hạn chế về sản xuất theo hướng an toàn vẫn luôn được coi là rào cản, làm “chậm” quá trình phát triển của thanh long VietGAP. Đó chính là thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn vẫn chưa ổn định, chưa có sự gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ. Những nông dân tham gia sản xuất thanh long VietGAP do chưa thấy rõ hiệu quả lâu dài và chưa có sự khác biệt giữa thu mua thanh long VietGAP và ngoài VietGAP nên hầu hết bà con chưa duy trì đạt 100% yêu cầu tiêu chuẩn, chưa thực sự chủ động, trung thực trong quá trình sản xuất. Đơn cử tại xã Hàm Cường (Hàm Thuận Nam), hiện địa phương đang phấn đấu thực hiện cấp mới 100 ha theo chỉ tiêu huyện giao. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm Ban chỉ đạo (BCĐ) VietGAP xã chỉ vận động được 50 ha/3 cơ sở, đạt 50% chỉ tiêu huyện giao.

Sản xuất thanh long VietGAP

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, do tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát nghiêm trọng, nên cùng một lúc, nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chương trình VietGAP. Trong đó, các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, một số huyện, thị thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh khó khăn chung ấy, giá thanh long lại rớt giá, đầu ra gặp khó khăn khiến nông dân có tâm lý bỏ lửng, không còn thiết tha tham gia sản xuất thanh long VietGAP… 

Xây dựng nền tảng uy tín, chất lượng sản phẩm

Theo ông Nguyễn Tám - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong nửa đầu năm nay, đơn vị đã thực hiện đánh giá giám sát được 89/505 cơ sở,  đạt 17,6%. Qua đó, ghi nhận diện tích thanh long VietGAP giảm do chuyển đổi cơ cấu cây trồng là 17,9 ha tại Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và Ban chỉ đạo VietGAP các xã, thị trấn thành lập được 12 cơ sở mới với diện tích 275,3 ha tại Hàm Thuận Nam, La Gi và Bắc Bình. Các huyện còn lại đang tiếp tục tuyên truyền, vận động, tư vấn nông dân tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Các cơ sở sau khi được thành lập đã triển khai thực hiện sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP như xây dựng quy trình canh tác, viết nhật ký sản xuất…

Xuất phát từ những khó khăn trong quá trình sản xuất thanh long VietGAP, để tránh nguy cơ “giậm chân tại chỗ”, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với BCĐ VietGAP các địa phương tuyên truyền vận động thành lập các cơ sở mới và tiến hành lấy mẫu, đánh giá chứng nhận đạt chỉ tiêu năm 2021. Đồng thời, đề nghị BCĐ phát triển thanh long bền vững các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, vận động thành lập các tổ, nhóm mới theo chỉ tiêu VietGAP…

Trước những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu (kể cả Trung Quốc), hơn hết người trồng thanh long cần nâng cao nhận thức trong thực hiện liên kết sản xuất chuỗi giá trị ngành hàng thanh long, xây dựng nền tảng uy tín, chất lượng sản phẩm bằng cách sản xuất GAP, nhằm giữ vững thương hiệu thanh long Bình Thuận…

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản xuất thanh long VietGAP: Nguy cơ “giậm chân tại chỗ”?