Công nhân Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bình Thuận chăm sóc cây giống trồng rừng. Ảnh minh họa |
Những kết quả
Thời gian qua, các sở, ngành liên quan đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành liên quan và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm (2016 - 2020). Đến nay, đã phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm (2016 - 2020) của 4 công ty TNHH một thành viên: Xổ số kiến thiết, Khai thác công trình thủy lợi, Lâm nghiệp Bình Thuận và Lâm nghiệp Sông Dinh. Từ năm 2011, Bình Thuận còn 8 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Nhìn chung, 8 công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu các lĩnh vực chính: trồng rừng, xổ số kiến thiết, hoạt động dịch vụ công ích về quản lý công trình thủy lợi, công trình giao thông, công trình đô thị. Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh đều có hiệu quả, thể hiện qua các chỉ tiêu chủ yếu sau: Tổng doanh thu thực hiện 5 năm 5.703 tỷ đồng, bằng 109,8% so kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế thực hiện 5 năm 900,5 tỷ đồng, bằng 149% so kế hoạch. Nộp ngân sách được 2.115,7 tỷ đồng, bằng 119,7% so kế hoạch. Thu nhập bình quân/lao động của hầu hết các doanh nghiệp năm sau cao hơn năm trước, năm 2015 tăng 1,4 lần so với thực hiện năm 2011.
Về tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã hoàn thành quy trình cổ phần hóa 2 doanh nghiệp Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Bình Thuận và Công ty TNHH một thành viên Công trình đô thị Phan Thiết. Sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp: Lập phương án sắp xếp 4 công ty TNHH một thành viên (Lâm nghiệp Hàm Tân, Lâm nghiệp Tánh Linh, Lâm nghiệp Sông Dinh, Lâm nghiệp Bình Thuận) do Nhà nước làm chủ sở hữu. Duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sông Dinh, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Hợp nhất Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bình Thuận và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hàm Tân thành Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bình Thuận. Sau khi hợp nhất, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bình Thuận tiến hành đàm phán các đối tác góp vốn để chuyển đổi thành Công ty TNHH hai thành viên. UBND tỉnh đã ban hành quyết định giải thể Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Tánh Linh, thành lập hội đồng giải thể để triển khai các bước tiếp theo. Hiện đang lập phương án giải thể trình UBND tỉnh phê duyệt…
Tháo gỡ những vướng mắc
Tuy nhiên, việc đổi mới, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục. Nhìn chung, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ. Trình độ công nghệ của đa số doanh nghiệp nhà nước vẫn ở mức thấp. Nhiều ngành kinh tế mũi nhọn, cũng như một số lĩnh vực kinh tế tiềm năng của Bình Thuận chưa có các công ty của Nhà nước tham gia hoạt động kinh doanh sản xuất. Tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước tuy đã rõ hơn nhưng vẫn còn nhiều bất cập, lúng túng và chưa hiệu quả. Hoạt động công ích chưa thu hút được các tổ chức kinh tế thuộc thành phần kinh tế khác tham gia.
Trong bối cảnh đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thiết nghĩ chúng ta cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản để quản lý, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước như: Tăng cường việc thực hiện có hiệu lực và hiệu quả các quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu, người đầu tư vốn được pháp luật và điều lệ doanh nghiệp nhà nước quy định. Chủ sở hữu thực hiện các nghĩa vụ đối với doanh nghiệp nhà nước như: đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; đầu tư đủ vốn điều lệ, chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp, tuân thủ điều lệ của doanh nghiệp… Nội dung quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước cần tập trung hơn vào những vấn đề có tác dụng hỗ trợ, thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, xác lập địa vị, vị thế mới của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Tăng cường vai trò giám sát trong quản lý doanh nghiệp nhà nước. Chú ý đến công tác cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thu hút, tuyển chọn thông qua thị trường nhân lực quản trị kinh doanh…
Thu Thủy