Theo báo cáo của Giám đốc Sở Nội vụ Đỗ Thái Dương, tỉnh Bình Thuận hiện có 10 ĐVHC cấp huyện, bao gồm: 1 thành phố (Phan Thiết), 1 thị xã (La Gi) và 8 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và Phú Quý). Trong đó có 1 ĐVHC cấp huyện thuộc diện khuyến khích sắp xếp là TP. Phan Thiết, điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng đô thị; 2 ĐVHC cấp huyện liền kề có điều chỉnh địa giới ĐVHC khi thực hiện phương án sắp xếp là huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Hàm Thuận Nam.
Đối với số lượng ĐVHC cấp xã, tỉnh hiện có 124 ĐVHC cấp xã, bao gồm 93 xã, 19 phường và 12 thị trấn. Trong đó, có 12 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp gồm 3 xã, 8 phường và 1 thị trấn. Cụ thể, giai đoạn 2023 – 2025 có 8 đơn vị (2 xã, 6 phường), gồm các xã, phường: Phong Nẫm, Tiến Lợi, Đức Thắng, Đức Nghĩa, Lạc Đạo, Bình Hưng, Hưng Long và Thanh Hải (TP. Phan Thiết). Giai đoạn 2026 – 2030 có 4 đơn vị (1 xã, 2 phường và 1 thị trấn), gồm: xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong), phường Phú Trinh (TP. Phan Thiết), phường Phước Lộc (thị xã La Gi) và thị trấn Tân Minh (huyện Hàm Tân). Sau sắp xếp, tỉnh Bình Thuận sẽ giảm 3 phường; dự kiến còn 121 đơn vị, gồm 94 xã, 16 phường và 11 thị trấn.
Thảo luận tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện: Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và TP. Phan Thiết thống nhất với phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP. Phan Thiết.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng khẳng định, sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, rất khó khăn phức tạp, ảnh hưởng đến ĐVHC, bộ máy, con người. Đồng thời ghi nhận Sở Nội vụ thực hiện quy trình chặt chẽ, quá trình dự thảo phương án có lấy ý kiến của các sở, ban, ngành địa phương liên quan; phương án đưa ra bám sát các nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy định của Trung ương. Mặt khác, dự thảo phương án đã kết hợp với triển khai thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP. Phan Thiết.
Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ thống nhất cao với phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP. Phan Thiết.
Đồng thời, giao Sở Nội vụ tham mưu Tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Phan Thiết, để trình Tỉnh ủy thông qua, báo cáo Bộ Nội vụ xem xét.
Sau khi phương án được phê duyệt, Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt lưu ý các sở, ban, ngành, địa phương liên quan cần xem đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng để tập trung lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất. Trong quá trình triển khai cần xây dựng kế hoạch lộ trình cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, đúng quy định của pháp luật đảm bảo yêu cầu đề ra. Nhấn mạnh mục đích cuối cùng sau sắp xếp là tạo thuận lợi giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân hiểu rõ chủ trương mục đích ý nghĩa của việc sáp nhập. Đặc biệt là phải lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân dân tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong xã hội...