Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện sáp nhập, nhưng đến nay 3 xã, thị trấn mới là Nam Chính, Măng Tố và thị trấn Phan Rí Cửa, hoạt động ổn định. Đánh dấu thành công bước đầu của Bình Thuận trong công tác tinh gọn bộ máy hành chính, tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Vượt khó
Khi mới triển khai việc sáp nhập, các địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là trong nắm bắt tình hình an ninh trật tự do diện tích tự nhiên, dân số tăng. Cùng với đó là việc giải quyết thủ tục hành chính, nhiều loại giấy tờ có liên quan, nhất là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân đưa vào ngân hàng vay vốn, muốn đáo hạn phải điều chỉnh lại theo địa giới hành chính cho phù hợp quy định. Chẳng hạn, xã Hòa Phú sau khi sáp nhập vào thị trấn Phan Rí Cửa thì lấy tên mới là thị trấn Phan Rí Cửa, tất cả các giấy tờ của cá nhân, tổ chức phải điều chỉnh thành thị trấn Phan Rí Cửa. Ông Đỗ Văn Tư - Chủ tịch UBND xã Nam Chính, huyện Đức Linh chia sẻ, Nam Chính trước đây có khoảng 9.000 khẩu trong 6 thôn sau khi sáp nhập Đức Chính vào thì tăng lên hơn 16.000 khẩu với 10 thôn. Trong khi số dân tăng như vậy nhưng chỉ có 22 cán bộ, công chức xã làm việc. Kinh phí hạn hẹp, nói chung khi mới sáp nhập địa phương gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân còn tư tưởng phân vân, không muốn xã của mình sáp nhập vào xã khác. Điển hình, một bộ phận người dân Đức Tân thắc mắc tại sao lại lấy xã Măng Tố làm xã mới mà không lấy tên xã mình. Do người dân chưa hiểu hết về quy định tại các nghị định của Trung ương. Cụ thể, Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay là Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã 2023 - 2030. Theo các nghị quyết, để sáp nhập ĐVHC này vào đơn vị kia, phải xem xét các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, dân số, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.
Bước đầu ổn định
Khó khăn là vậy, nhưng bằng quyết tâm chính trị và giải pháp cụ thể của Huyện ủy, HĐND, UBND các huyện Tuy Phong, Đức Linh, Tánh Linh và 3 xã, thị trấn mới. Đến nay các hoạt động trên địa bàn xã, thị trấn đã đi vào nền nếp, ổn định. Người dân của các xã cũ: Đức Tân, Đức Chính, Hòa Phú đến các xã, thị trấn Phan Rí Cửa, Nam Chính và Măng Tố mới của mình giao dịch bình thường như chưa hề có chuyện sáp nhập.
Bà Nguyễn Thụy Thanh Vũ - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Nam Chính cho biết, khi có chủ trương sáp nhập Đức Chính vào Nam Chính thì Nam Chính ổn định hơn, còn Đức Chính thì không, nhiều người có tư tưởng không muốn sáp nhập nên khi lấy ý kiến rất khó khăn. Nhưng nhờ các ban, ngành, đoàn thể nỗ lực phối hợp tuyên truyền, vận động, giải thích nhân dân đã đồng tình.
Điều bà Vũ nói phù hợp với những gì chúng tôi khảo sát nhân dân 3 xã, thị trấn mới. Ông Lê Thế Mỹ, công dân thôn 4, xã Đức Chính, nay là thôn 10, xã Nam Chính chia sẻ, khi đó ở đây ai cũng đồng tình với chủ trương sáp nhập xã, chỉ một bộ phận người dân còn nặng tính địa phương, họ cho rằng Đức Chính có nhiều người dân Quảng Ngãi, trong khi Nam Chính chủ yếu người dân Quảng Nam, đặt trụ sở ở xã Nam Chính e ngại có sự thiên vị. Nhưng nay họ đã hiểu ra rằng, sống và làm việc ở đâu trên dải đất hình chữ S này cũng là nhà, là người dân Việt Nam. Hơn nữa hiện nay vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước rõ ràng, không có chuyện lãnh đạo địa phương để xảy ra vấn đề gì trên địa bàn mình quản lý.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Luyết công dân Đức Tân cũ nay là Măng Tố cho biết, việc sáp nhập hay không sáp nhập không ảnh hưởng gì, cuộc sống của chúng tôi vẫn bình thường. Ban đầu có bỡ ngỡ nhưng rồi cũng quen. Còn với người dân xã Hòa Phú hầu hết đồng ý với chủ trương sáp nhập vì sau sáp nhập họ trở thành công dân thị trấn.
Ngoài ra, việc giải quyết cán bộ, công chức dôi dư cũng ổn, những cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, đủ chuẩn thì được giữ lại làm việc tại xã hoặc bố trí vào các phòng, ban, đoàn thể xã hội của huyện đang thiếu hoặc qua xã bạn. Số còn lại chưa đủ chuẩn, vận động tham gia tổ chức xã hội khác hoặc giải quyết nghỉ theo chế độ. Qua đó thể hiện nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện chủ trương sáp nhập ĐVHC cấp xã, mang lại thành công. Ông Nguyễn Văn Húy – Bí thư Huyện ủy Đức Linh nhấn mạnh, để việc sáp nhập ĐVHC có hiệu quả, thì địa phương phải làm tốt khâu tuyên truyền, giải thích cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nắm chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc sáp nhập. Khi cán bộ, đảng viên, nhân dân đã nắm rõ thì việc giải quyết vấn đề cũng thành công.
Điều 6, Nghị định 33 quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã: Đối với xã, thị trấn loại I là 22 người, loại II là 20 người và loại III là 18 người.