Theo dõi trên

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Khởi đầu thành công và tạo đà. Bài 3

27/06/2024, 05:05

Bài 3: Tạo đà cho giai đoạn tiếp theo

Tiếp nối thành công giai đoạn trước, Bình Thuận tiếp tục lộ trình sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025. Với hứa hẹn mang lại kết quả nhanh hơn khi nhiều lĩnh vực có liên quan đã được số hóa, tạo đà tiến tới hoàn thiện việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) vào năm 2030 theo chủ trương của Trung ương.

sap-nhap.jpg
Lạc Đạo một trong những phường ở Phan Thiết trong diện sáp nhập giai đoạn này.

Thêm 5 phường sáp nhập

Dựa trên những gì đã làm trong giai đoạn 2019 - 2021, Bình Thuận đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2023 – 2025 theo tinh thần các kết luận, nghị quyết của Trung ương về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030. Trong đó, xác định diện tích tự nhiên và quy mô dân số phù hợp với quy định trong các nghị quyết của giai đoạn này.

Theo đó, qua rà soát tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định ở giai đoạn này, Bình Thuận vẫn không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Nhưng lại có 8 ĐVHC cấp xã gồm 2 xã, 6 phường thuộc diện bắt buộc. Vì có diện tích tự nhiên và quy mô dân số lọt vào khung quy định trong các nghị quyết. Có 2 xã Phan Lâm, Phan Sơn, huyện Bắc Bình thuộc diện khuyến khích sáp nhập, nhưng phải điều chỉnh lại địa giới trước khi sáp nhập theo diện ấy. Cụ thể, ngoài 2 xã Phan Lâm và Phan Sơn thì 8 ĐVHC xã, phường gồm: Phong Nẫm, Tiến Lợi và các phường Đức Thắng, Đức Nghĩa, Lạc Đạo, Bình Hưng, Hưng Long, Thanh Hải thuộc thành phố Phan Thiết. Tuy vậy, theo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của UBND tỉnh, trong 8 ĐVHC có 3 đơn vị được địa phương đề nghị không đưa vào sắp xếp giai đoạn này là Tiến Lợi, Phong Nẫm và Thanh Hải. Vì có yếu tố đặc thù và nằm trong diện phải điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố.

sap-nhap-1(1).jpg
Một trong những trưởng khu phố đi lấy ý kiến nhân dân.

Sớm hoàn thiện

Trên cơ sở xác định 5 phường phải hợp nhất, thời gian qua, Sở Nội vụ nỗ lực phối hợp với các huyện, thị, nhất là thành phố Phan Thiết thực hiện các quy trình sắp xếp. Cũng như cách thức sắp xếp ĐVHC của giai đoạn trước, lấy ý kiến cử tri trình HĐND phường, thông qua HĐND thành phố. Quá trình lấy ý kiến trải qua nhiều bước, đến nay hầu hết cử tri ở 5 phường gồm: Lạc Đạo, Đức Thắng, Đức Nghĩa, Bình Hưng, Hưng Long đã nhận được phiếu lấy ý kiến. Bà Nguyễn Thị Gái, ở phường Đức Nghĩa cầm lá phiếu đánh dấu “tích” vào mục đồng ý nói, việc sáp nhập này là chủ trương đúng, Nhà nước đã triển khai từ lâu. Có sáp nhập thì mới tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí từ ngân sách nhà nước, có lợi cho phát triển đất nước, địa phương.

Ngoài bà Gái thì nhiều cử tri khác cũng đồng tình với chủ trương sáp nhập. “Trước đây một số xã ở các huyện sáp nhập vào thời điểm chưa có số hóa hộ tịch khó khăn hơn. Hiện nay nhiều lĩnh vực đã số hóa, điều chỉnh địa giới hành chính trên các loại giấy tờ dễ dàng… Tôi đồng ý với việc sáp nhập để bộ máy nhà nước không cồng kềnh gây tốn kém, lãng phí ngân sách nhà nước”, ông Nguyễn Đức ở phường Đức Thắng cho biết.

Điều ấy cho thấy người dân Phan Thiết không còn xa lạ gì với sáp nhập ĐVHC. Họ nhận thức khá tốt về vấn đề sáp nhập, trong đó có cả việc đặt tên cho ĐVHC mới. Ông Hưng, một trong số công dân thành phố lấy ví dụ phân tích: “3 phường Đức Nghĩa, Lạc Đạo, Đức Thắng hợp nhất lại, lấy trụ sở phường Lạc Đạo làm trung tâm, gọi phường Lạc Đạo mới là đúng. Không thể lấy Đức Nghĩa hay Đức Thắng hoặc ghép các tên của 3 phường lại với nhau... Vì Lạc Đạo có nhiều cơ quan hành chính nhà nước, cơ sở tôn giáo đóng chân trên địa bàn, chưa kể diện tích tự nhiên, dân số đông hơn và trụ sở làm việc đáp ứng nhu cầu hơn".

sap-nhap-2.jpg
Một trong những cử tri đánh dấu vào phiếu lấy ý kiến xác nhận đồng ý sáp nhập.

Đến nay nhìn lại quá trình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã ở Bình Thuận đã thấy kết quả. Từ thành công giai đoạn đầu tạo đà cho các giai đoạn tiếp theo đang triển khai, tiến tới hoàn thiện giai đoạn cuối 2026 – 2030. Ông Đỗ Thái Dương – Giám đốc Sở Nội vụ Bình Thuận cho biết, trước đây, tỉnh ta đã triển khai việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019 – 2021, nay tiếp tục triển khai giai đoạn 2023 – 2025, chuẩn bị giai đoạn 2026 – 2030 đã có dự thảo đề án. Sở đã và đang triển khai nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương chủ động thực hiện tốt việc sắp xếp giai đoạn này. Đồng thời đề nghị các cơ quan phối hợp thực hiện theo các bước, từ khâu lấy ý kiến, xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức hội nghị quán triệt, cho đến báo cáo kết quả lấy ý kiến trình HĐND các cấp, đảm bảo đúng thời gian theo kịp tiến độ.

Theo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh, việc sáp nhập giúp tinh gọn tổ chức bộ máy cấp xã, giảm chi ngân sách, mở rộng không gian phát triển; quản lý nhà nước được tốt hơn, các thủ tục hành chính tiếp tục được cải cách, đơn giản hóa từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số, giải quyết công việc nhanh, hiệu quả hơn; góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân... Đồng thời, giải quyết bất hợp lý về phân định địa giới ĐVHC do quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Khởi đầu thành công và tạo đà. Bài 1
Thành công bước đầu trong sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2019 -2021, nay Bình Thuận tiếp tục lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025 theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Khởi đầu thành công và tạo đà. Bài 3