Trước đây, tại khu vực gần trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến. Dễ thấy nhất là hành vi học sinh điều khiển phương tiện đi hàng hai, hàng ba, lạng lách đánh võng trên đường. Trong số đó, có nhiều em đi xe máy đến trường nhưng đều chưa có bằng lái xe, chưa đủ tuổi sử dụng phương tiện tham gia giao thông theo quy định, nhiều em vượt đèn đỏ, phóng nhanh. Thực trạng trên là một trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh tăng. Vì thế, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31, nhiều biện pháp đảm bảo ATGT học đường được các ngành, địa phương tăng cường triển khai, thực hiện đồng bộ hơn.

Công an tỉnh với trách nhiệm của mình đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, lực lượng tự quản về an toàn giao thông tại các địa bàn dân cư, lực lượng tình nguyện tham gia bảo đảm TTATGT, phòng, chống ùn tắc giao thông, điều tiết giao thông tại các khu vực gần các trường học và tuyến đường chính dẫn đến trường học. 1 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng mới 8 mô hình “Cổng trường ATGT” tại các trường THPT, duy trì hoạt động 94 mô hình tại trường học các cấp; tiến hành tổng rà soát “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông và các bất cập trong tổ chức giao thông. Kết quả, đã xác định 6 “điểm đen”, 27 điểm tiềm ẩn tai nạn và 1 điểm bất hợp lý trong tổ chức giao thông. Năm 2024, Công an tỉnh đã gửi 30 văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng để có biện pháp khắc phục.
Lực lượng công an các cấp đã tổ chức 302 buổi tuyên truyền trực tiếp cho gần 224.000 lượt học sinh. Phối hợp với tất cả các trường, cơ sở giáo dục tiến hành rà soát lại toàn bộ số phương tiện làm dịch vụ đưa đón học sinh, xác định và thông báo cụ thể danh sách các phương tiện đủ hoặc không đủ điều kiện; hướng dẫn nhà trường tổ chức xe đưa đón học sinh phù hợp với lứa tuổi, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Đồng thời, kiểm tra, rà soát, lập danh sách các bãi giữ xe gần khu vực trường học; yêu cầu cam kết không nhận trông, giữ xe máy trên 50 phân khối của học sinh theo quy định. Lực lượng Cảnh sát giao thông trong toàn tỉnh cũng thực hiện 6.225 ca tuần tra kiểm soát với 18.240 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua đó, đã phát hiện lập biên bản đối với 1.164 trường hợp vi phạm trong lứa tuổi học sinh; ra quyết định xử phạt 1.035 trường hợp, nộp ngân sách nhà nước 589 triệu đồng, tạm giữ 1.106 phương tiện, gửi thông báo 420 trường hợp vi phạm về trường học để xử lý theo quy định. Qua đó, nâng cao nhận thức chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông cho phụ huynh và học sinh.
Dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng, song theo đánh giá của ngành chức năng, tình hình TTATGT liên quan lứa tuổi học sinh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn. Do vậy, thời gian tới lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; không để xảy ra việc tụ tập đua xe trái phép. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra tai nạn giao thông. Phát động và xây dựng phong trào nhân dân tích cực tham gia bảo đảm TTATGT; tăng cường sự phối hợp giữa công an – nhà trường – gia đình trong việc quản lý và giáo dục học sinh nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về TTATGT. Tiếp tục khảo sát, xác định những “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” về tai nạn giao thông, những vị trí thường tập trung đông người, học sinh dọc các tuyến giao thông để có giải pháp khắc phục kịp thời, nhất là tại các khu vực cổng trường học…