Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút khỏi một loạt thỏa thuận quốc tế như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris.
Ảnh minh họa: AP |
Mặc dù còn nhiều lí do đằng sau quyết định của Mỹ rút khỏi UNESCO, nhưng cảnh báo sẽ cân nhắc tiếp tục rút khỏi các tổ chức khác của Liên Hợp Quốc, phản ánh chiến lược mà ông Donald Trump theo đuổi bấy lâu nay “nước Mỹ trên hết”.
Việc Mỹ rút khỏi UNESCO có thể là một cú sốc đối với tổ chức này khi Mỹ đang đóng góp khoảng 80 triệu USD/năm, tương đương 20% ngân sách hàng năm của UNESCO.
Tác động ngay trước mắt đó là Mỹ sẽ dừng hỗ trợ cho Tổ chức này. Tính đến thời điểm Mỹ chính thức rút khỏi UNESCO, khoản nợ đóng góp của Mỹ đã lên là gần 600 triệu USD. Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ.
“Năm 2011, Mỹ mất quyền bỏ phiếu và dừng khoản đóng góp UNESCO. Nhưng nếu quay ngược lại lịch sử chúng ta sẽ không chỉ thấy Mỹ là một thành viên sáng lập UNESCO, mà toàn bộ ý tưởng 'các bạn có thể xây dựng hòa bình thông qua văn hóa, giáo dục, truyền thông' là ý tưởng của Mỹ”, bà Bokova nói.
Đại diện một số cơ quan quốc tế cũng như nhiều nước đã có phản ứng trước việc Mỹ quyết định rút khỏi UNESCO. Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ làm gián đoạn một số dự án quan trọng của tổ chức này. Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định của mình.
“Những gì tôi muốn nói đó là UNESCO là một tổ chức giúp tăng cường các giá trị và ý tưởng thông qua văn hóa, giáo dục và khoa học. Các giá trị và lý tưởng này rất quan trọng đối với nước Mỹ cũng như Pháp. Tôi cho rằng hơn bao giờ hết khi các giá trị này đang vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi thì sự tham gia của Mỹ là hết sức quan trọng”, ông Delattre nói.
Đưa ra lí do cho quyết định của mình Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ, quyết định "phản ánh những quan ngại ngày càng lớn của Mỹ đối với UNESCO, sự cần thiết của việc cải cách tổ chức này cũng như việc tổ chức này duy trì thành kiến chống Israel".
Đại sứ Mỹ tại UNESCO Chris Hegadorn cũng nêu 2 lí do, đó là những căng thẳng gia tăng kể từ khi UNESCO kết nạp Palestine thành một quốc gia thành viên. Điều thứ 2 đó là tổ chức này đã bị chính trị hóa, ảnh hưởng đến các hoạt động của UNESCO, trở thành một diễn đàn có xu hướng chống Israel.
Quyết định của Mỹ cũng đưa ra đúng vào thời điểm UNESCO đang bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới. Theo nhận định của giới quan sát, ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua giành chức Tổng giám đốc UNESCO là Hamad bin Abdulaziz al-Kawari từ Qatar vốn không được Mỹ và Israel hoan nghênh.
Vài giờ sau khi Mỹ thông báo quyết định rút khỏi UNESCO, đại diện Mỹ tại Liên Hợp Quốc tiếp tục đưa ra một cảnh báo cứng rắn nhằm vào các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc.
Điều này phản ánh rõ nét sự hoài nghi về tính hiệu quả của các tổ chức cũng như thỏa thuận đa phương mà ông Donald Trump thường nhận định bấy lâu nay và luôn đặt ra câu hỏi Mỹ có nên tiếp tục tham gia hay không.
Rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thỏa thuận Khí hậu Paris, NAFTA và đang lên kế hoạch cho một loạt hành động khác với tiêu chí luôn đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên các cam kết quốc tế.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho rằng, những người trả thuế tại nước Mỹ không thể tiếp tục trả cho các chính sách luôn mang tính chất thù địch với Mỹ. Mỹ sẽ tiếp tục cân nhắc các tổ chức khác trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc.
Mặc dù vậy giới quan sát nhận định, UNESCO là một tổ chức của Liên Hợp Quốc có uy tín cao, có đông đảo thành viên và nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực hoạt động chính của tổ chức này.
Việc rút khỏi tổ chức này đánh mất vai trò và tiếng nói của Mỹ trong nhiều vấn đề quan trọng chiến lược toàn cầu như giáo dục, văn hoá, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thông tin và truyền thông.
Phạm Hà/VOV