Theo dõi trên

Sở Giao thông Vận tải trả lời các vấn đề dư luận quan tâm

01/06/2016, 17:07

BTO-  Tại cuộc họp báo vừa diễn ra tại Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận đã thông tin về các vấn đề vừa xảy ra trên Quốc lộ 1A đoạn qua Bình Thuận mà dư luận rất quan tâm.

1.Những biện pháp khắc phục tình trạng hằn lún Quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết – Đồng Nai. Nguyên nhân vì sao xảy ra hằn lún? Trách nhiệm của địa phương trong vấn đề trên?

Dự án cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết – Đồng Nai (Km 1720 +800 tại cầu Phú Sung – Km 1770+734 giáp Đồng Nai) do nhà đầu tư là Tổng Công ty 319 thực hiện. Nhà đầu tư đã triển khai thu phí ngày 1/3/2015. Tuy nhiên, trong tháng 4 và tháng 5/2016 trên tuyến đường này đã xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, nên Tổng Cục đường bộ IV đã có công văn tạm dừng thu phí từ 12h ngày 21/5/2016. Ngay sau đó, Tổng Công ty 319 đã khẩn trương khắc phục hoàn tất hiện tượng hằn lún vệt bánh xe nên được thu phí trở lại lúc 18h ngày 25/5/2016.

                
Đường bị hằn lún

Nguyên nhân xảy ra hằn lún: Đây là dự án do nhà đầu tư là Tổng Công ty 319 thực hiện và thu phí tại trạm thu phí Sông Phan trong thời gian 22 năm 8 tháng. Tất cả các bước thiết kế, thẩm định, quản lý dự án, giám sát do các đơn vị Trung ương và ngoài tỉnh thực hiện. Cơ quan quản lý chuyên ngành của tỉnh về giao thông như Sở Giao thông Vận tải cũng không tham gia vào công tác thẩm định. Mặt khác, đây là dự án cải tạo nền, mặt đường có chiều dài tuyến từ cầu Phú Sung đến Đồng Nai dài 120 km (Bình Thuận 50km và Đồng Nai 70km) được thiết kế trên cơ sở tận dụng nền đường cũ, không mở rộng nền đường mỗi chiều xe chỉ có 1 làn xe cơ giới rộng 3,5m và 1 làn xe thô sơ rộng 2,5m.

Bước đầu nhà đầu tư Tổng Công ty 319 – Chi nhánh Sông Phan đã có những giải thích nguyên nhân xảy ra hằn lún do mỗi chiều chỉ có 1 làn xe cơ giới nên xuất hiện tải trọng trùng phục (tải trọng lập đi lập lại nhiều lần tại một vị trí) làm hư hỏng mặt đường.

Bên cạnh đó, một yếu tố đánh giá lại là nhiệt độ mặt đường kết hợp với tác động của xe quá tải. Theo tiêu chuẩn hiện nay, nhiệt độ hóa mềm của nhựa đường là 46oC, những ngày nắng nóng nhiệt độ mặt đường đo được lên tới 72oC.

Trong khi đó, đường được thiết kế chịu tải trọng trục xe là 10 tấn/trục nhưng hiện nay kết quả cân xe trên tuyến đường cho thấy xe có tải trọng trục 20, 30 tấn/trục tương đối phổ biến.

Trên tuyến đường, có những đoạn xung yếu được thí điểm bê tông nhựa polyme có nhiệt độ hóa mềm 80oC, đến nay không bị hằn lún.

Nhà đầu tư cũng đang xem xét đề xuất Bộ Giao thông Vận tải thay bê tông nhựa thường ở các vị trí xung yếu bằng bê tông nhựa có phụ gia, polyme nhằm có khả năng chống hằn lún tốt hơn. Các kết quả đánh giá về thi công và nghiệm thu của Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải cho thấy hỗn hợp bê tông nhựa và việc thi công đạt yêu cầu.

Trách nhiệm của địa phương: Đây là tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh do Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Ngay sau khi có hiện tượng hằn lún vệt bánh xe ở đoạn tuyến từ Km 1720 + 800 – Km 1770+734, Ban An toàn Giao thông tỉnh đã liên hệ với Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 là đơn vị quản lý nhà nước trên đoạn tuyến này nhằm nhắc nhở Tổng Công ty 319- Chi nhánh Sông Phan (là đơn vị thu phí tại trạm Sông Phan) tiến hành khảo sát lấy khối lượng hằn lún để có kế hoạch sửa chữa. Trong thời gian tới, Ban An toàn Giao thông và Sở Giao thông Vận tải tiếp tục theo dõi hiện tượng hư hỏng mặt đường, kịp thời yêu cầu các cơ quan chức năng khắc phục nhằm đảm bảo an toàn giao thông ở tuyến trên. Về lâu dài, Ban An toàn Giao thông đã yêu cầu nhà đầu tư xem xét đề xuất Bộ Giao thông Vận tải thay bê tông nhựa thường ở các vị trí xung yếu bằng bê tông nhựa có phụ gia, polyme nhằm có khả năng chống hằn lún tốt hơn.

2.Quốc lộ 1A qua huyện Hàm Thuận Nam thường xảy ra TNGT, điển hình là vụ tai nạn vào rạng sáng ngày 22/5/2016, những biện pháp nào nhằm khắc phục tình hình TNGT trên tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Hàm Thuận Nam?

Ý kiến của Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận và Ban An toàn Giao thông tỉnh Bình Thuận: Để bảo đảm an toàn giao thông tuyến Quốc lộ 1A (tránh xảy ra tình trạng tai nạn giao thông đối đầu tương tự như tai nạn ngày 22/5/2016), kiến nghị Cục quản lý đường bộ IV trình Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận phương án lắp đặt dải phân cách giữa và mở rộng mặt đường (kể cả mở rộng cầu) quy mô tối thiểu đảm bảo 4 làn xe cơ giới cho toàn bộ tuyến Quốc lộ 1A còn lại qua địa bàn tỉnh Bình Thuận (đoạn Km 1720 + 800 Km 1770+734). Đối với cầu ông Hạnh Km 1737+565 cần xây dựng mới kết hợp nắn chỉnh hướng tuyến để điều chỉnh bán kính đường cong cho phù hợp cấp đường thiết kế nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

                
Vụ tai nạn giao thông ngày 22/5/2016

Ý kiến của Cục quản lý đường bộ IV: Thống nhất với ý kiến của Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận và Ban An toàn Giao thông tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, trước mắt để bảo đảm ATGT trên tuyến Quốc lộ 1A cần thiết tổ chức lắp đặt dải phân cách giữa và mở rộng mặt đường theo quy mô 4 làn xe bao gồm 2 làn ô tô và 2 làn hỗn hợp (không có phần đường xe thô sơ) Bm = 16,0m trên các đoạn Km 1721 + 200 – Km 1722 + 000, Km 1725 + 200 – Km 1731+500, Km 1737 – Km 1738, Km 1741 – Km 1748+500, Km 1755 + 000 – Km 1757, Km 1760 + 000 – Km 1762 +000, với tổng chiều dài 19,6km. Tổng kinh phí để mở rộng mặt đường và lắp dải phân cách dự kiến là 244 tỷ đồng.

Mở rộng 1 cầu và xây dựng mới 2 cầu trên các đoạn đề xuất gồm:

Cầu Phú Sung Km 1721 + 447, chiều dài  36,9m, bề rộng toàn cầu 13m, bề rộng phần xe chạy 12m. Kết cấu nhịp liên hợp, 3 nhịp dài 12,6m. Đề xuất mở rộng cầu phần xe chạy 16m, theo quy mô mở rộng Bm=16m.

Cầu Ông Hạnh Km 1737 + 565, chiều dài cầu 22,7m, bề rộng toàn cầu 12m, bề rộng phần xe chạy 11m. Kết cấu nhịp BTDƯL (1 nhịp dài 18,6m). Cầu thuộc phạm vi đường cong có bán kính R = 110m (nhỏ hơn bán kính Rmin = 250) tại mố M1. Hiện nay, cầu đang trong giai đoạn hư hỏng hoàn toàn lan can phía trái tuyến do TNGT gây ra vào ngày 18/9/2015. Đề xuất xây dựng cầu mới cầu Ông Hạnh kết hợp nắn chỉnh hướng tuyến để điều chỉnh bán kính đường cong phù hợp với TCTK đường cấp III đồng bằng.

Cầu Tà Mon Km 1746 + 073, chiều dài cầu 28,8m, bề rộng toàn cầu 9,6m, bề rộng phần chạy xe 7,6m. Kết cấu nhịp BTDƯL (1 nhịp dài 24,7m). Cầu được xây dựng trước năm 1975, hiện trạng khổ cầu hẹp hơn so với khổ đường (7,6/12m). Đề xuất xây dựng mới cầu Tà Mon.

Để có tính khả thi cao và thực hiện ngay, cần tổ chức lắp đặt dải phân cách và mở rộng mặt đường theo quy mô 4 làn xe bao gồm 2 làn ô tô và 2 làn hỗn hợp (không có phần đường xe thô sơ) Bm=16m. Bởi các lý do sau: Các đoạn đề xuất nêu trên là các đoạn nguy hiểm có nguy cơ cao gây mất ATGT (khu vực đồi dốc thoải liên tục, nhiều đoạn bán kính đường cong nhỏ hơn hoặc bằng bán kính Rmin, thuộc phạm vi ngoài khu vực đông dân cư (vận tốc khai thác tối đa 80km/h), hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện do công tác giải phóng mặt bằng, chi phí giải phóng mặt bằng thấp.

BTO



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở Giao thông Vận tải trả lời các vấn đề dư luận quan tâm