Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Toàn Thắng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trong Kế hoạch của UBND tỉnh có nêu “Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định hiện hành của pháp luật giữa UBND cấp huyện với cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở kế hoạch thực hiện hàng năm của các địa phương theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP”. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn giai đoạn 1 (2020 - 2025). Tổng số giáo viên toàn tỉnh hiện có 13.274, trong đó mầm non 3.122 giáo viên, tiểu học 5.970 giáo viên, trung học cơ sở 4.182 giáo viên. Số giáo viên đạt chuẩn trình độ chuẩn được đào tạo 11.415, đạt tỷ lệ 86%, trong đó, mầm non đạt 95,10 %, tiểu học đạt 78,98 %, THCS đạt 89,22%.
Tuy nhiên, việc thực hiện Kế hoạch số 4414 gặp khó khăn trong việc thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu giữa UBND cấp huyện với cơ sở đào tạo giáo viên. Số lượng giáo viên tham gia đào tạo ít hơn so với kế hoạch đặt ra. Nguyên nhân, các cơ sở đào tạo giáo viên chưa công bố cụ thể số tiền quy định/1 giáo viên tham gia đào tạo để đạt trình độ chuẩn theo quy định (từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học). Một số trường THCS còn gặp khó khăn trong việc bố trí sắp xếp giáo viên vừa giảng dạy vừa theo học các lớp nâng chuẩn do việc thừa thiếu giáo viên cục bộ, không có nguồn để bố trí bổ sung. Nhiều nhà giáo có số năm công tác và thời gian nghỉ hưu ngang bằng với thời gian quy định về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo nên có tư tưởng ngại học, không chủ động đăng ký tham gia đào tạo. Các địa phương chưa quan tâm hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn.
Tại hội nghị, các địa phương đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí cho các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo cho giáo viên mầm non và tiểu học. Đối với giáo viên THCS với đặc thù đào tạo theo bộ môn, đề nghị UBND tỉnh giao cho Sở GD&ĐT tiếp nhận danh sách các địa phương gửi về, phân bổ lớp học theo bộ môn, hợp đồng với cơ sở đào tạo thực hiện cho tập trung trong toàn tỉnh, không để giáo viên phải tự tìm trường đi học sẽ bất tiện cho đời sống, công tác của giáo viên và khó cho việc nhà trường phân công giảng dạy, khi mỗi giáo viên phải phụ thuộc vào thời khóa biểu của mỗi cơ sở đào tạo...
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là chính sách ưu việt dành cho đội ngũ giáo viên giúp họ yên tâm công tác, phát huy năng lực. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở GD&ĐT kịp thời rà soát lại các văn bản liên quan, các nội dung và số lượng nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp. Từ đó tham mưu, đề xuất kế hoạch cụ thể giai đoạn tiếp theo cho UBND tỉnh. Trong đó, xác định rõ mục tiêu, lộ trình chi tiết để phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn đạt hiệu quả.