Tuy đang vào cao điểm du lịch hè, nhưng do dịch Covid - 19 trong nước bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phía Nam nên đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành du lịch. Riêng tại TP. Phan Thiết - trung tâm du lịch Bình Thuận cũng phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kéo dài hơn 1 tháng kể từ ngày 2/8/2021, điều đó khiến cho ngành “công nghiệp không khói” gần như đóng băng hoàn toàn.
Lúc bấy giờ, hầu hết các cơ sở kinh doanh lưu trú tại địa phương buộc phải đóng cửa, số ít trường hợp còn hoạt động nhưng chỉ cầm chừng nhằm phục vụ khách lưu trú dài ngày trước đó, hoặc đáp ứng nhu cầu đối tượng cách ly có trả phí… Số liệu thống kê trong tháng 8/2021 cho thấy, lượng khách lẫn doanh thu từ hoạt động du lịch tại Bình Thuận giảm sâu so tháng cùng kỳ năm trước đó: Giảm lần lượt là 93,37% và 94,09%. Với đối tượng khách quốc tế trong tháng này có khoảng 330 lượt, giảm 88,97% so cùng kỳ năm 2020…
Sang tháng 9/2021, mặc dù giãn cách xã hội trên địa bàn TP. Phan Thiết đã được nới lỏng, song hoạt động du lịch nhìn chung vẫn tiếp tục trầm lắng bởi tác động tiêu cực từ đại dịch. Nhìn lại số liệu thống kê trong tháng này, toàn tỉnh chỉ đón khoảng 6.200 lượt khách, giảm hơn 97% so cùng kỳ năm trước đó và doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 43,3 tỷ đồng, giảm gần 95% so cùng kỳ… Không thể dự báo chính xác tình hình Covid - 19 bao giờ mới chấm dứt, thế nên du lịch Bình Thuận cũng tính đến việc “sống chung” với đại dịch thông qua các biện pháp phù hợp theo từng bước thận trọng. Mặt khác tích cực quảng bá hình ảnh và khẳng định Bình Thuận vẫn là điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng, bằng nhiều hình thức, trong đó đặt yếu tố “an toàn” cho du khách lên hàng đầu.
2. Khi điều kiện cho phép, du lịch Bình Thuận mạnh dạn mở cửa đón khách nội địa trở lại nhân dịp sinh nhật lần thứ 26 của ngành (24/10/2021) tại một số khu du lịch thuộc địa bàn TP. Phan Thiết: Centara Mirage Mũi Né, Pandanus Resort, Anantara Mũi Né. Song song đó, ngành phối hợp đẩy nhanh tiến độ “phủ xanh” vắc xin phòng Covid - 19 cho toàn bộ lực lượng lao động, góp phần tạo sự an tâm và thoải mái cho du khách khi đến Bình Thuận nghỉ dưỡng…
Từ đây, du lịch địa phương từng bước “bắt nhịp” với giai đoạn bình thường mới, ngày càng có thêm nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú đủ điều kiện đăng ký tham gia hoạt động trở lại. Bên cạnh chào đón và phục vụ chu đáo khách nội địa, du lịch Bình Thuận cũng chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón khách quốc tế từ các thị trường có độ an toàn cao về phòng, chống dịch Covid - 19 như theo định hướng của ngành du lịch Việt Nam… Tích cực là vậy, thế nhưng thời gian đầu bước vào giai đoạn bình thường mới vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi, nguyên nhân cũng vì ảnh hưởng của đại dịch đối với ngành du lịch là rất nặng nề. Thông tin từ các doanh nghiệp du lịch mở cửa đón khách trở lại cho biết sau 2 tháng (từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 12/2021) chỉ đón khoảng 6.000 khách, hầu hết là khách nội địa và chủ yếu đi theo dạng khách lẻ, gia đình đến từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Long An…
Không ngoài dự đoán do tác động tiêu cực của đại dịch, nên kết thúc năm 2021 cả 2 chỉ tiêu cơ bản của ngành chẳng những không hoàn thành mà còn sụt giảm mạnh. Cụ thể: Cả năm ngoái toàn tỉnh chỉ đón và phục vụ khoảng 1.774.400 lượt khách (giảm 46,15% so với năm 2020), đối với doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 4.158 tỷ đồng (giảm 55,77% so cùng kỳ).
3. Bước sang năm 2022, du lịch Bình Thuận đặt rất nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi của ngành sau khi tình hình dịch Covid - 19 cơ bản được kiểm soát, nhu cầu “xê dịch” sau đại dịch dự báo tăng cao, nhất là vào dịp lễ, tết. Đặc biệt với điểm đến Bình Thuận, ngoài “biển xanh - cát trắng - nắng vàng” thì các loại hình thể thao giải trí trên biển, trên đồi cát và ẩm thực phong phú cũng tạo sức hút du khách khắp nơi.
Và rồi nỗ lực phục hồi du lịch sau đại dịch cũng dần cho thấy những tín hiệu lạc quan khi mà ngay trong tháng đầu năm nay, Bình Thuận đã đón khoảng 71.100 lượt khách (riêng khách quốc tế có khoảng 2.100 lượt). Tiếp đó vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 toàn tỉnh đón 75.000 lượt khách, với dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương thu hút 35.000 lượt khách, còn lễ 30/4 - 1/5 có khoảng 80.000 lượt khách đến Bình Thuận… Trước thềm mùa du lịch hè, ngành cũng đã góp mặt tại Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh năm 2022 nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh điểm đến, tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường khách nội địa. Trong khi đó tại địa phương thì phát động Chương trình kích cầu du lịch Bình Thuận hè 2022 và công bố Sàn Thương mại du lịch Bình Thuận, hướng đến hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình khôi phục hoạt động sau đại dịch.
Theo số liệu thống kê mới nhất, toàn tỉnh ước đón 515.800 lượt khách trong tháng 7/2022, tăng 23,9 lần so tháng cùng kỳ năm ngoái (trong đó khách quốc tế có khoảng 5.600 lượt, tăng 10,9 lần so cùng kỳ). Như vậy từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch địa phương đã đón hơn 2.909.000 lượt khách, tăng 67,3% so cùng kỳ năm 2021 (khách quốc tế có 30.300 lượt, tăng gần 50% so cùng kỳ). Đối với doanh thu từ hoạt động du lịch, trong tháng qua ước đạt 922,3 tỷ đồng và tăng 12,6 lần so tháng cùng kỳ năm ngoái, tính chung 7 tháng đầu năm nay ước đạt 5.417,2 tỷ đồng, tăng 38,58% so cùng kỳ…
Trái ngược tình cảnh cách đây tròn 1 năm, hiện hoạt động du lịch tại địa phương mà đặc biệt là trên tuyến Hàm Tiến - Mũi Né và khu vực nam Phan Thiết đang diễn ra hết sức sôi động. Dự báo du lịch Bình Thuận sẽ tiếp tục đà phục hồi từ nay đến cuối năm, nhất là trong tháng 8 - 9/2022 diễn ra rất nhiều sự kiện tạo thuận lợi cho ngành thu hút đông đảo du khách. Đó là chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1992 - 2022), tổ chức các lễ hội truyền thống (Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Ka - tê), dịp Lễ Quốc khánh 2/9... Đây cũng là cơ sở để tin rằng chỉ tiêu đặt ra đón 4,5 triệu lượt khách trong năm nay của ngành du lịch Bình Thuận sẽ thực hiện hoàn thành, qua đó tạo động lực cho địa phương sẵn sàng đăng cai tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2023.