Tìm hiểu kiến nghị trên chúng tôi được biết: Từ đầu năm đến nay, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hàm Tân đã tiếp nhận 944 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) của công dân theo cơ chế một cửa liên thông và đã giải quyết xong 347 hồ sơ, với diện tích 166 ha đất. Tiếp nhận, giải quyết xong 3.710/3.747 hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của công dân. Việc giải quyết hồ sơ đất đai của công dân vẫn còn trễ hẹn so với thời gian quy định. Nguyên nhân là do đa số hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ đều vướng về mặt pháp lý, nguồn gốc đất đai và thời điểm bắt đầu sử dụng đất của các hộ dân chưa rõ ràng, cụ thể. Các thửa đất đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ chủ yếu là phần diện tích tăng thêm sau khi đo đạc lại, nên bóc tách riêng để thực hiện thủ tục cấp mới giấy chứng nhận QSDĐ. Phần diện tích còn lại thực hiện thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định. Việc đăng ký hồ sơ cấp giấy chứng nhận ban đầu, UBND các xã, thị trấn rà soát chưa chặt chẽ, thông tin trên từng hồ sơ không trùng khớp với nhau và có mâu thuẫn về nguồn gốc đất đai, quá trình sử dụng đất so với hồ sơ địa chính đã được nghiệm thu ban đầu. Có nhiều trường hợp công dân chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính, nên việc trả kết quả không đúng thời gian quy định. Trong quá trình cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân có địa chỉ thường trú ngoài địa phương phải gửi văn bản xác minh có phải là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp hay không, nên không đảm bảo thời gian hẹn trả kết quả cho công dân. Đồng thời phải gửi văn bản xác minh hạn mức đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ trên cả nước theo quy định tại Điều 129 Luật Đất đai năm 2013. Một số hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ, các xã, thị trấn chuyển lên còn thiếu sót, tẩy xóa nội dung trong đơn và các loại giấy tờ khác kèm theo, chi nhánh phải chuyển đi chuyển lại hồ sơ để bổ sung hoàn thiện. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, chi chánh mới tham mưu UBND huyện ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho công dân.
Bên cạnh đó, hệ thống hồ sơ địa chính trên địa bàn huyện chưa đầy đủ, đồng bộ, nên việc kiểm tra, rà soát hồ sơ phải mất nhiều thời gian. Các trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, chi nhánh phải gửi văn bản xác minh có phải là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp không. Khi chưa có văn bản trả lời thì chi nhánh không có cơ sở để giải quyết hồ sơ đất đai của công dân theo đúng quy định pháp luật. Các cấp, các ngành chức năng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về xác minh hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 44 Nghị định 43/NĐ – CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Nhất là các trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp có hộ khẩu thường trú ngoài địa phương phải có văn bản đề nghị chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi người đó thường trú trả lời về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, nên mất nhiều thời gian, trễ hẹn trả kết quả cho công dân.
Khánh Huyền