Được sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển Hà Lan do Chính phủ Hà Lan tài trợ để thực hiện “Dự án Nâng cao vai trò phụ nữ trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp (FLOW)”, ngành nông nghiệp Bình Thuận đã triển khai thí điểm mô hình “Thâm canh cây lúa theo phương pháp cải tiến SRI”. Hệ thống canh tác SRI (System of Rice Improvement) dựa trên các nguyên tắc cơ bản là sử dụng mạ non để tận dụng được những dảnh hữu hiệu ngay từ ban đầu. Cấy thưa để phát huy khả năng quang hợp, tạo sự thông thoáng trong hệ sinh thái đồng lúa hạn chế sâu bệnh hại, tạo điều kiện cho các dảnh lúa để có khả năng phát triển thành dảnh hữu hiệu. Quản lý nước là biện pháp dựa vào đặc tính của cây lúa khi đẻ nhánh cần rút nước để tạo điều kiện cho lúa đẻ nhiều nhánh. Như vậy canh tác lúa cải tiến SRI đã khắc phục được những hạn chế theo cách canh tác truyền thống đã nói ở trên, đem lại nhiều hiệu quả cho người trồng lúa.
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, qua triển khai thí điểm canh tác SRI với 132ha/213 hộ ở HTX Long Hương và Long Điền 1 (Tuy Phong) đã mang lại hiệu quả khả quan qua các thông số: Giảm mật độ gieo sạ từ 60 - 80kg/ha; giảm chi phí giống 1 triệu đồng/ha; giảm 4-6 lần tưới nước/vụ; giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật 2 - 2,5 triệu đồng/ha; tăng năng suất lúa 1,7 - 2,3 tạ/ha; tăng lợi nhuận 1 - 3,4 triệu đồng/ha. Mới đây, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện SRI tại Bắc Ruộng (20 ha) vụ đông xuân 2018 - 2019 cũng đưa lại những kết quả khá tốt: Giảm được lượng giống gieo sạ từ 40-50%; năng suất tăng cao hơn ruộng sản xuất đại trà 9,3%; giảm lượng nước tưới từ 25-30%; chi phí sản xuất giảm khoảng 2,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng hơn 6 triệu đồng/ha (42%). Ngoài lợi ích kinh tế, SRI còn mang đến lợi ích to lớn về xã hội đó là tính cộng đồng trong sản xuất, người dân cùng làm và chia sẻ kinh nghiệm; hạn chế ô nhiễm môi trường và tác hại đến sức khỏe người trồng lúa nhờ giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Từ thử nghiệm ở Bình Thuận cũng như các địa phương khác cho thấy tính vượt trội của canh tác SRI so với canh tác truyền thống. Vì vậy việc chuyển từ thử nghiệm qua sản xuất đại trà là rất cần thiết và cần làm sớm. Được biết, theo kế hoạch đến năm 2025, sẽ có khoảng 3.380 ha với 5.800 hộ canh tác lúa ở các vùng lúa trọng điểm của tỉnh như Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Đức Linh, Tánh Linh áp dụng quy trình SRI. Để đạt được mục tiêu, tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột” như một số mô hình, dự án trước đây “còn tài trợ thì hoạt động tốt, hết tài trợ hết hoạt động”, thiết nghĩ ngành nông nghiệp tỉnh cần phối hợp với các địa phương tiến hành điều tra cơ bản về thực trạng sản xuất lúa, tập quán canh tác, đánh giá điều kiện hạ tầng để quy hoạch các vùng canh tác lúa phù hợp theo SRI.
Trên cơ sở xác định vùng quy hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân hiểu được hiệu quả, lợi ích, quy trình sản xuất SRI, từ đó mạnh dạn bỏ vốn đầu tư thực hiện tái canh, cải tạo. Cùng với đó tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất. Trong giai đoạn đầu, tỉnh, huyện cần dành một khoản ngân sách thích đáng hỗ trợ cho công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ xây dựng và duy trì các mô hình; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ; tổ chức tập huấn, tham quan, nhân rộng mô hình…
Thâm canh lúa theo phương pháp cải tiến SRI là một phương pháp mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng lúa. Việc nhân rộng mô hình ở các vùng trọng điểm lúa của tỉnh là hết sức cần thiết, góp phần nâng cao trình độ thâm canh cho người nông dân, đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, giảm chi phí, hạn chế lượng phân bón dư thừa trong đất, gìn giữ nguồn tài nguyên nước và cải thiện môi trường. Đồng thời với nhân rộng canh tác SRI sẽ góp phần thực hiện bình đẳng giới nhờ việc giảm gánh nặng cho người phụ nữ trong canh tác lúa, giúp họ tiết kiệm được thời gian và bớt đi nỗi vất vả khi gieo sạ, giảm công phun thuốc bảo vệ thực vật, giúp người phụ nữ có nhiều thời gian hơn chăm sóc gia đình và bản thân.
THẾ NAM