Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 điểm khai thác du lịch nông nghiệp nằm tại 4 huyện là: Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh. Nhiều mô hình du lịch sinh thái, du lịch canh nông ở những địa phương này đã phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. Bà con nông dân trở nên tự tin, năng động hơn nhờ làm du lịch. Các sản phẩm OCOP trở thành đặc sản của địa phương và tăng thêm giá trị cũng nhờ có du lịch...Điển hình như, ở huyện Tánh Linh gắn với các chuỗi sản phẩm: hạt điều, cá thác lác, đồ gỗ mỹ nghệ các loại; Các điểm du lịch trên địa bàn huyện Bắc Bình gắn với các chuỗi của sản phẩm như thịt bò 1 nắng, dưa lưới, dông thịt; Huyện Tuy Phong gắn với các chuỗi sản phẩm khác như nho, ớt chim La Gàn, mủ trôm, thảo dược từ cây đinh lăng, tham quan, dã ngoại câu cá giải trí; các sản phẩm như bưởi da xanh Đông Hà, sầu riêng Rô Mô, cà phê, hạt điều, hồ tiêu ở huyện Đức Linh…
Tuy nhiên, theo đánh giá tại cuộc họp, hiện nay tiềm năng và thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả. Việc phát triển loại hình này còn gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư xây dựng, hầu hết là đầu tư xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy lợi...Bên cạnh đó, các mô hình kinh doanh du lịch sinh thái, du lịch canh nông còn nhỏ lẻ, hình thức tự phát, thiếu chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản, chưa phong phú, chưa tạo được sản phẩm du lịch hấp dẫn dựa vào tiềm năng lợi thế của địa phương và chưa tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh cho rằng: Hoạt động du lịch sinh thái, du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh nếu được triển khai bài bản, quy củ; được khai thác gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, văn hóa tại địa phương sẽ mang lại sắc thái mới, sức sống mới ở vùng nông thôn của tỉnh cùng nhiều lợi ích phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận người dân. Cũng từ đó chuyển đổi được tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”. Đặc biệt là phát triển du lịch gắn với nông nghiệp trở thành phong trào và lan toả khắp các địa phương trong tỉnh.
Để phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông theo đúng mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy, Đề án Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập đoàn công tác học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh có mô hình hay, hiệu quả; cùng với đó khảo sát đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển loại hình kinh doanh du lịch sinh thái, du lịch canh nông. Trên cơ sở kết quả học tập kinh nghiệm, khảo sát thực tế đối chiếu quy định pháp luật có liên quan, giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông. Trong đó nêu rõ quy trình, trình tự thủ tục, các khâu, các bước triển khai dự án du lịch sinh thái, du lịch canh nông, trình UBND tỉnh trong tháng 3/2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố cần rà soát, bám sát các kế hoạch của tỉnh, của địa phương, chủ động triển khai các công việc liên quan. Đồng thời, quản lý chặt chẽ tình hình đầu tư xây dựng, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các cơ sở đang hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Mặt khác, tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, xây dựng các điểm du lịch sinh thái trái phép.