Theo dõi trên

Sớm xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại Mũi Né  

14/08/2017, 11:19

BT- Lâu nay, hàng trăm cơ sở du lịch Bình Thuận tập trung dọc các khu vực ven biển nhưng lại thiếu nguồn nước mặt. Nước phục vụ dịch vụ du lịch ở đây chủ yếu khai thác dưới mặt đất như các khu du lịch ở: Tiến Thành, Thuận Quý, Long Sơn – Suối Nước, kể cả Hàm Tiến - Mũi Né của TP. Phan Thiết… Việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm có dấu hiệu suy thoái, cạn kiệt, nhiễm bẩn, xâm nhập mặn. Trong khi đó, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung tại các khu vực du lịch ven biển chưa được tỉnh đầu tư xây dựng; nước thải sau xử lý của cơ sở du lịch, kể cả những hộ gia đình ở những địa điểm trên chưa qua xử lý không có nguồn tiếp nhận, chủ yếu cho tự thấm qua hố ga và tái sử dụng tưới cây trồng. Ngay như Resort Sài Gòn - Suối Nhum (Thuận Quý, Hàm Thuận Nam) có giấy phép xả nước thải qua xử lý vào nguồn nước biển, nhưng vẫn sử dụng tưới cây. Việc này lâu dài sẽ gây ô nhiễm nguồn nước dưới mặt đất. Một số cơ sở khác sử dụng nguồn nước còn lãng phí, chưa có giải pháp bảo vệ nguồn...

                
Các cơ sở du lịch Mũi Né cần hệ thống xử lý    nước thải tập trung.

   Cách đây chưa lâu, tại buổi làm việc về khảo sát tình hình xả nước thải cơ sở kinh doanh du lịch vào nguồn tiếp nhận của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch UBND phường Mũi Né, Phan Thiết Nguyễn Thị Huỳnh Hoa cho biết: Thương hiệu du lịch Mũi Né nơi tập trung hơn 70 cơ sở du lịch, nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn xả trực tiếp ra biển đã gây mất mỹ quan bãi biển, phản cảm cho du khách trong, ngoài nước đang nghỉ dưỡng ở đây. Trong khi đó các cơ sở du lịch bên kia đường Nguyễn Đình Chiểu, nước thải qua hố ga thẩm thấu xuống đất, gần 100 cơ sở chế biến cá cơm, hải sản trên địa bàn phường cũng xả thải bằng hình thức này, không đảm bảo vệ sinh môi trường về lâu dài. Chủ tịch UBND phường Mũi Né kiến nghị, tỉnh cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại trung tâm du lịch này cho các cơ sở du lịch ven biển đấu nối vào, cũng như xử lý nước thải ở địa phương; đầu tư xây dựng cụm chế biến hải sản tập trung, nâng cấp nhà máy nước sạch cung cấp cho nhu cầu ngày càng cao ở địa phương…

Trong khuôn khổ này, ông Lê Văn Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên nước & Khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên & Môi trường) cũng đề xuất, các sở ngành chức năng cần sớm có giải pháp đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung theo quy hoạch tại Quyết định số 1942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 762 vào ngày 16/3/2016. Sở Tài nguyên & Môi trường kiến nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường giao Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp đơn vị liên quan kiểm tra cơ sở du lịch ven biển Bình Thuận, thống nhất hướng dẫn việc xả thải vào nguồn nước cho phù hợp thực tế… Bà Nguyễn Thị Phúc, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận tiếp thu đề đạt trên, đề nghị tỉnh đầu tư hệ thống xử lý nước thải phục vụ doanh nghiệp và người dân tại Mũi Né. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Phúc cũng đề nghị phường Mũi Né phổ biến pháp luật tài nguyên nước, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cơ sở du lịch, sản xuất, kinh doanh trong giữ gìn vệ sinh môi trường; thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát nguồn nước thải.

T. Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đồng chí Đặng Hồng Sỹ thăm gia đình chính sách nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
BTO-Sáng 18/12, đồng chí Đặng Hồng Sỹ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã đi thăm các gia đình chính sách nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). Cùng đi có đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, lãnh đạo các địa phương.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sớm xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại Mũi Né