Theo dõi trên

Sớm xử lý tro xỉ và xây dựng sân bay Phan Thiết

15/05/2019, 08:52

BT- Trước khi kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIV diễn ra, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao đổi những điểm “nghẽn” của tỉnh để kiến nghị Quốc hội xem xét, giải quyết nhằm tạo điều kiện để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, vấn đề về xử lý tro xỉ, môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và triển khai Dự án Cảng hàng không Phan Thiết còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.

Sớm xử lý tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân

Theo quy hoạch phê duyệt, tỉnh Bình Thuận có 5 dự án nhà máy nhiệt điện (Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 và 4 mở rộng) thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong). Để đảm bảo hoạt động của các nhà máy trên, đã quy hoạch khu vực bãi thải xỉ để đổ tro, xỉ với diện tích khoảng 181 ha. Khi các nhà máy ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đi vào hoạt động theo thiết kế thì bãi xỉ dự kiến chỉ chứa được khoảng hơn 2 năm là đầy và không đáp ứng được quy định tại Quyết định số 452/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

                
Bãi tro xỉ nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: Đ.H

Báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, UBND tỉnh cho biết, hiện nay để tiêu thụ nhanh và hiệu quả lượng tro xỉ còn tồn tại bãi và thải ra trong thời gian tới thì phương án sử dụng làm vật liệu san lấp công trình hạ tầng giao thông, kè, cảng là khả thi nhất. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện, vẫn còn thiếu một số tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật và các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan. Theo ý kiến của Bộ Xây dựng tại Công văn số 2897 ngày 19/11/2018 thì tiến độ ban hành các hướng dẫn, chỉ dẫn kỹ thuật sẽ được ban hành trong thời gian tới, nên hiện nay chưa thể triển khai thực hiện làm vật liệu san nền. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng không nung còn gặp nhiều khó khăn nên chưa triển khai đẩy mạnh sản xuất để tiêu thụ đáng kể lượng tro xỉ theo công suất dự kiến. Do đó, đến nay lượng tro xỉ phát sinh từ quá trình hoạt động của các nhà máy chủ yếu được vận chuyển, lưu trữ bãi thải xỉ, chưa được sử dụng làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền... nên áp lực quá tải bãi xỉ, gây nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường là vấn đề rất bức xúc của tỉnh và nhân dân tại khu vực này.

Để sớm giải quyết vấn đề này, tỉnh kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật đối với sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm nguyên liệu san lấp, đắp nền đường. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và đề xuất các phương án sử dụng tro xỉ với khối lượng lớn trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, kè, cảng, theo tinh thần đã làm việc với tỉnh Bình Thuận. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét đưa tro xỉ vào làm vật liệu san nền công trình đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Bình Thuận và một số tỉnh lân cận. Kiến nghị Bộ Công Thương yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc phê duyệt đề án xử lý, tiêu thụ tro xỉ đến năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 452; khẩn trương nghiên cứu triển khai thực hiện các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 6109 ngày 5/11/2018 về quản lý tro xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện… Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hướng dẫn việc đồng xử lý tro xỉ, thạch cao trong sản xuất vật liệu xây dựng, coi quá trình sản xuất vật liệu xây dựng có sử dụng tro xỉ, thạch cao trực tiếp là quá trình xử lý tro xỉ, thạch cao; hướng dẫn việc chôn lấp tro xỉ, thạch cao trong trường hợp tro xỉ, thạch cao không thể sử dụng được. Ngoài ra, kiến nghị các bộ, ngành liên quan có cơ chế chính sách hỗ trợ về công nghệ, tài chính, thị trường tiêu thụ và giá thành sản phẩm, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu không nung từ nguồn tro xỉ.

 Dự án Cảng hàng không Phan Thiết vướng đất đai

Liên quan đến Cảng hàng không Phan Thiết, Chính phủ xác định đây là sân bay quân sự - dân dụng kết hợp và được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với khu bay quân sự và UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hạng mục hàng không dân dụng. Xác định đây là dự án quan trọng của tỉnh, tạo cơ hội thu hút đầu tư và động lực để thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích 543 ha và đã bàn giao cho Bộ Quốc phòng, nhà đầu tư hạng mục hàng không dân dụng.

                
Phối cảnh sân bay Phan Thiết. Ảnh minh họa

Theo UBND tỉnh, đối với hạng mục hàng không dân dụng, hiện nay các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Tài chính đã có Công văn ý kiến về hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế cơ sở theo quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt (từ cấp 4C lên 4E). UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, Công ty Cổ phần Rạng Đông và đơn vị tư vấn thiết kế (ADCC) tham mưu báo cáo giải trình ý kiến của các bộ. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo, phấn đấu hoàn tất thủ tục và triển khai thi công hạng mục hàng không dân dụng trong năm 2019. Đối với khu bay quân sự, ngày 18/1/2019, Bộ Quốc phòng đã có Tờ trình số 693 gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công (do dự án sử dụng vốn từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất quốc phòng tại sân bay Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đã có ý kiến về thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng khu sân bay quân sự tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận và sân bay Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa (riêng UBND tỉnh Khánh Hòa chưa có ý kiến thẩm định). Ý kiến các bộ đề nghị Bộ Quốc phòng xác định chính xác nguồn vốn đầu tư, tuy nhiên việc này còn vướng do UBND tỉnh Khánh Hòa chưa tổ chức đấu giá xong quyền sử dụng đất quốc phòng tại sân bay Nha Trang. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 Mặc dù, Bộ Quốc phòng đã tích cực phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tiến hành các thủ tục bán đấu giá quyền sử dụng đất phần đất quốc phòng còn lại tại sân bay Nha Trang theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai rất chậm. Do đó, tỉnh kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao đổi với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa để đôn đốc UBND tỉnh Khánh Hòa khẩn trương hoàn thành các thủ tục và bán đấu giá khu đất nêu trên để có nguồn vốn triển khai thực hiện đầu tư khu sân bay quân sự tại Phan Thiết đúng tiến độ và đưa vào khai thác sử dụng đồng bộ với phần hàng không dân dụng Cảng hàng không Phan Thiết. Đồng thời, kiến nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa để sớm tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất phần đất quốc phòng còn lại tại sân bay Nha Trang và có báo cáo giải trình các ý kiến của các bộ về thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng khu sân bay quân sự tại Phan Thiết và sân bay Cam Ranh để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. 

Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sớm xử lý tro xỉ và xây dựng sân bay Phan Thiết