Theo dõi trên

Sống ảo trong đời thực

17/03/2023, 06:09

Một thầy giáo nói với tôi, anh đang xây dựng lại kế hoạch để đi vào chiều sâu giáo dục nếp sống văn hóa trường học, bởi theo khảo sát mới được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng.

Facebook là một diễn đàn vô cùng sôi động hơn bao giờ hết thu hút hàng tỷ người trên thế gian này tham dự. Khi tìm hiểu, chúng tôi thấy không ít vấn đề để trao đổi, một khi học sinh cũng như mọi thành phần xã hội khác sử dụng facebook để đăng tải, trao đổi, chia sẻ với nhau những thông tin về mọi mặt trong cuộc sống. Trong đó không ít người lợi dụng facebook để đả kích, bôi nhọ tư cách, nhân phẩm người khác.

se-quy-dinh-cach-su-dung-facebook_daen.jpg
Hướng dẫn học sinh sử dụng facebook.

Nói ở nước ta “mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng” cũng dễ thấy, nếu dạo một vòng trên mạng, gặp không ít những bài viết hoặc những comment đúng là không có văn hóa. Ngôn từ của họ không phải chỉ của một nhóm “trẻ trâu” nào đó mà cả những người lớn tuổi có học vị cũng thế. Nhiều khi để bộc lộ sự tức tối cá nhân họ đã huy động kho từ vựng hạ đẳng nhất để đả kích, nhục mạ, cố tình hạ thấp uy tín, nhân phẩm người khác; khi ai đó không đồng tình hoặc làm trái ý họ, là dịp để họ nhiếc mắng cho hả dạ, nào là: đồ ngu, dốt như bò, quân bưng bô; có khi dùng những từ ngữ ở đáy cùng thậm tệ: viết thúi như cứt, làm được c. gì tao…

Ở lứa tuổi học trò không ít những trường hợp buông những giọng điệu như thế trên facebook, zalo… để thách thức dẫn đến những cuộc ẩu đả bằng vũ lực, đâm chém lẫn nhau đến thương tích, tử vong đã từng diễn ra.

Có thể nêu một số hiện tượng sử dụng facebook không văn hóa mà nhiều người đã từng đề cập đến. Như tung tin đồn nhảm, tự dựng lên câu chuyện về một nhân vật nào đó mới đọc qua tưởng như là có thật, hoặc sử dụng kênh hình chơi trò cắt dán, hóa trang (masquerading), lấy khuôn mặt của người này dán vào thân hình của người khác (cả phần lõa thể) một cách dung tục, có khi dán vào thân một động vật nào đó, rồi phát tán trên mạng toàn cầu, để hàng trăm, hàng ngàn người khác vào xem nhằm hạ uy tín, làm nhục đối tượng mà họ muốn đả kích.

Những đối tượng như vậy được xếp vào thành phần du côn mạng, chúng thường rình mò, lén lút theo dõi từng hành động, việc làm (stalking), những gì về cuộc sống riêng tư của nạn nhân để quấy nhiễu, đe dọa. Thậm chí họ còn săn tin tình địch hoặc cả người yêu cũ của mình để tìm cách tấn công, bêu rếu cho bỏ ghét. Du côn mạng thường dùng từ ngữ kích động phát tán rộng rãi làm cho nạn nhân không kìm chế được bản thân, phản ứng mất kiểm soát, thế là đạt được mục đích, chúng không có trách nhiệm hậu quả sẽ như thế nào.

Thầy giáo nói, nhất là những comment. Chưa cần đến bài như thế nào, chỉ xem qua comment đủ biết năng lực, trình độ của người tham gia bình luận. Đặc biệt những kẻ comment ăn theo. Như trường hợp thầy giáo ở một trường nọ ra đề kiểm tra, nhưng có chi tiết đưa đến sự hiểu nhầm, phụ huynh lại đẩy chi tiết hiểu nhầm ấy lên mạng, thế là nhiều người vào tham gia, có một nhân vật comment: “Thầy gì mà ra đề ngu vậy, cho về đi học tiếp rồi hãy đi dạy”. Khi truy tìm xem tác giả lời chỉ trích đó là ai. Hóa ra đó là cậu học trò lớp 7 lêu lổng, cuối năm không được lên lớp, bỏ học.

Cần hướng cho học sinh biết comment trên facebook, có khi bằng hình ảnh, thường bằng những lời bình luận, là một cách giúp mọi người có thể gắn kết, sẻ chia, trao đổi với nhau về một vấn đề gì đó mà có sự cùng quan tâm. Khác với bully – dùng lời lẽ bắt nạt, đe dọa của những du côn mạng. Trong kế hoạch triển khai xây dựng văn hóa trường học, có văn hóa sử dụng mạng xã hội. Thầy đã mua cuốn Người chơi Facebook khôn ngoan biết rằng của NXB Trẻ cho thư viện để học sinh đến đọc.

Cuốn sách đã hướng dẫn làm sao để sử dụng facebook hiệu quả, chứ không bị rối bòng bong cùng facebook. Cần biết tám thứ không nên tiết lộ trên facebook. Những lợi ích và cách thoát khỏi cơn nghiện do facebook gây ra. Với 4 chủ điểm lớn: Đời sống ảo đã thành một phần của đời sống thực; Đời sống ảo cũng đầy những vấn đề như đời sống thực; Thành công từ thế giới ảo có thể tốt cho đời thực; Nhưng… sống ảo vẫn không bao giờ sống thực.

Hiện nay, hướng dẫn cho học sinh sử dụng facebook để thể hiện văn hóa trên không gian mạng là vấn đề cần thiết.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khánh thành cầu Hạnh phúc cho người dân thôn 1 xã Đức Bình
BTO- Tỉnh đoàn Bình Thuận vừa khánh thành công trình cầu Hạnh Phúc tại xóm 1, thôn 1, xã Đức Bình, huyện Tánh Linh.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sống ảo trong đời thực