Theo dõi trên

Sông Dinh, dòng sông nhiều tôm cá

09/06/2017, 10:02

BT- Sông Dinh xuất phát từ núi Ông, chảy qua  Tánh Linh, Hàm Tân về thị xã La Gi rồi nhập vào biển Đông. Sông Dinh không rộng cũng không dài, nhưng có rất nhiều loại thủy sản sinh sống, những loài cá ăn đáy như: cá chình, cá chạch, cá lăng, cá bống tượng, cá trê, cá lóc, tôm càng xanh…cùng với các loài  ăn nổi như: cá trắng đuôi đỏ, mè dinh, mè hoa, chép, trôi, rô phi…

 Từ khi có đập Sông Dinh 3,  sông Dinh không còn tình trạng  kiệt nước, các loài thủy sản có điều kiện phát triển nhiều hơn. Đặc biệt,  lòng hồ sông Dinh ngày càng đa dạng về cá, tôm. Tại hồ Sông Dinh 3, chuyện người câu, câu được những con cá chép, cá mè nặng  chục ký là bình thường.

Ở hạ lưu sông Dinh, đoạn chảy qua thị xã La Gi, sông trở nên gập ghềnh hơn do có rất nhiều đá và cây rù rì. Đây cũng chính là điều kiện để tôm cá sinh sản và phát triển. Đập Đá Dựng là một trong những đoạn sông có ưu thế đó. Nơi đây nước sâu, đá nhiều, nguồn thức ăn từ thượng nguồn đổ về khá dồi dào nên thích nghi cho các loài thủy sản, có người đã bắt được cá chình nặng trên 7 kg.

Cá trên sông Dinh nhiều và ngon, đầu tiên phải kể đến cá chạch. Cá chạch đầu nhỏ, miệng nhọn, da rất trơn, trên lưng có đường gai chạy dọc theo sống lưng, dưới bụng có một gai nhọn nhỏ nằm ở cuối bụng. Cá chạch có nhiều loại, loại bông sọc, loại màu vàng và loại màu xám đen. Trong các loài cá chạch, chạch lấu là loài chạch lớn nhất.

Cá chạch chế biến thành nhiều món ăn ngon,  giá trị dinh dưỡng cao… Tại các nhà hàng, món cá chạch luôn có trong thực đơn và là sự lựa chọn của nhiều thực khách.

Trong y học cổ truyền, cá chạch là loài thuốc quý, không độc, có tác dụng tiêu khát, giải say rượu, cường dương bổ khí, trị được nhiều chứng bệnh... Nếu chế biến đúng cách, cá chạch còn chữa được bệnh đái tháo đường, suy nhược cơ thể nhất là đối với người già và trẻ em suy dinh dưỡng.

Ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, cá chạch sống chui trong bùn đất nên người dân ở đây thường gọi cá chạch bùn, chạch đồng, loại cá chạch này không lớn, con to nhất cũng chỉ bằng ngón chân cái, khi nước rút người dân sục trong bùn để bắt cá, cá bắt được nhiều đem phơi khô gọi là khô chạch.

Ngoài cá chạch, sông Dinh còn có loài cá bống tượng cũng rất được ưa thích. Cá bống tượng mình tròn, nhiều thịt, xương mềm. Những con bống lớn cân nặng trên 1 kg. Cháo cá bống, cá bống kho tiêu là những món ăn dân dã được nhiều người ưa thích.

Một loài cá quý hiếm khác cũng có khá nhiều ở sông Dinh chính là cá lăng. Cá lăng sông Dinh không lớn, trọng lượng bình quân từ vài lạng đến nửa ký. Cá lăng ngon nổi tiếng với món canh chua.

Đầu mùa mưa khi nước lũ về, loài cá chạch, cá bống từ trong bùn đất, hốc đá bắt đầu sinh sôi, cá lăng trên thượng nguồn đổ về, cuối mùa mưa khoảng tháng 10, tháng 11 cá đạt độ lớn khá đồng đều.

Câu cá sông Dinh là thú đam mê của nhiều người, chỉ cần mấy cần tre, mớ giun (trùn), tìm chỗ thích hợp móc mồi, thả câu là ít nhiều cũng có được cá chạch, cá bống. Đây là loài cá hỗn ăn, lại lì lợm nên dễ câu. Một người có tay nghề, biết chọn chỗ một ngày có thể câu được vài ký, gặp may, chỉ cần vài con chạch, con bống cỡ cổ tay là đã kiếm được hàng trăm nghìn đồng. Một ký cá chạch hiện nay trên thị trường có giá hơn trăm nghìn.

Câu cá lăng tương đối vất vả hơn, phải dùng cần máy hoặc ống cước câu quăng với loại mồi riêng có mùi rất khó chịu. Vài năm trở lại đây, nhiều người dùng dụng cụ bẫy cá đan bằng tre cho mồi vào và thả chìm xuống sông để bắt cá. Một đêm có thể thu vài ba chục ký.

Sự lo ngại hiện nay là một số người vì ham lợi thường xuyên dùng thuốc đổ xuống sông để sút cá tôm. Đây thực sự là mối hiểm họa khó lường, thuốc độc không những hủy diệt nguồn thủy sản mà còn gây nhiễm độc cho con người.

Hãy chung tay giữ lấy dòng sông quê và những gì mà thiên nhiên ban tặng!

NGÔ VĂN TUẤN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã chú trọng triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) nhằm góp phần tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Cùng với đó, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền về công tác này ngày càng được nâng cao, nhất là trong việc thực hiện “Chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sông Dinh, dòng sông nhiều tôm cá