Ngay sau khi triển khai, xác định đây là một sự kiện sinh hoạt rộng khắp nên các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và 10/10 huyện, thành phố đã quán triệt, đôn đốc trong toàn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực tham gia. Ban tổ chức cuộc thi đã xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm với số lượng 60 câu, nội dung liên quan đến các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác CCHC, về kết quả chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Trong đó, mỗi đợt thi có 10 câu hỏi trắc nghiệm và 1 câu hỏi phụ về số lượng người trả lời đúng tất cả các câu hỏi trong đợt thi. Thời gian hoàn thành mỗi bài thi tối đa 15 phút.
Dù thời gian thi không dài, bắt đầu từ ngày 12 đến 30/8/2024 và được chia làm 3 đợt thi (1 đợt thi/tuần), nhưng ghi nhận 30.223 lượt người tham gia. Ngay trong đợt 1 đã có 43,14% trên tổng số lượt người dự thi trả lời đúng 100%. Dựa vào kết quả đó cho thấy sự quan tâm của hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiêu biểu như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế tỉnh, Trường Cao đẳng Bình Thuận, UBND các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân, Phú Quý…
Bà Trần Thục Hảo – giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Phan Thiết), người đạt giải nhất cuộc thi chia sẻ: Qua cuộc thi, tôi nhận thấy công tác CCHC có tầm quan trọng lớn trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị - xã hội. Cuộc thi cần được tổ chức nhiều lần hơn nữa để cán bộ, công chức, viên chức tiếp cận, nắm rõ hơn các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng CCHC nhà nước tỉnh, từ đó chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Trung ương và tỉnh đề ra.
Thời gian qua, công tác CCHC nhìn chung được chủ động, thường xuyên thực hiện trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo quy định. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã rà soát, bố trí, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; chất lượng văn bản được nâng cao; ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chất lượng phục vụ người dân.
Bà Nguyễn Thị Bông – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi đánh giá: Thành công của cuộc thi không chỉ thể hiện ở số lượng hay dừng ở các giải thưởng mà quan trọng hơn là đã tạo nên một phong trào tìm hiểu về các nội dung liên quan đến công tác CCHC. Qua đó nâng cao nhận thức, hiểu biết và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, để chung tay xây dựng nền hành chính minh bạch, công khai, hiện đại... Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác CCHC giúp người dân hiểu, nắm rõ quy trình, thủ tục, biết quyền, yêu cầu của mình được thực hiện. Tuyên truyền về ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí… Những điều này sẽ góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.