Theo dõi trên

“Sức mạnh” từ công nghệ cao

21/12/2021, 06:33

BT- Với các nhà máy năng lượng tái tạo ở Tuy Phong, năm 2021 là năm đối diện với các trở ngại nảy sinh ảnh hưởng nhiều đến sản lượng, doanh thu từ bán điện. Trước hết, câu chuyện hệ thống truyền tải ở đây báo động bị quá tải từ cuối năm 2019, sau đó, Bình Thuận và EVN đã tìm giải pháp khơi thông qua xây dựng đường dây 110kV Ninh Phước - Phan Rí mạch 2. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thi công xong. Đã vậy, thời gian trước 31/10//2021 có thêm một số nhà máy điện gió khánh thành hòa lưới phát điện lên chính đường dây vốn dĩ đã quá tải nên việc phân chia công suất phát giữa các nhà máy càng gay gắt hơn. Trở ngại khác là dịch Covid-19 bùng sớm ở các tỉnh, thành năng động phía Nam, nơi tập trung nhiều nhà máy, công ty, xí nghiệp khiến làn sóng doanh nghiệp, nhà máy dừng hoặc hoạt động cầm chừng phổ biến nên điện năng được tiêu thụ ít hơn so bình thường. Cầu ít thì giảm cung, đó là quy luật...

Tuy nhiên, hiện tại, khi còn khoảng 10 ngày nữa là kết thúc năm 2021 nhưng không ít nhà máy năng lượng tái tạo ở Tuy Phong đã có tổng sản lượng điện phát tăng hơn năm 2020. Từ đó, doanh thu cũng tăng lên theo. Đây là một bất ngờ so với thực trạng đã phân tích như trên. Nhất là những tháng cuối của năm 2021, xuất hiện nhiều đợt áp thấp nhiệt đới nên góp phần làm trầm trọng thêm khó khăn.

Với chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời thì cảm nhận nhờ những tháng đầu năm, ở Tuy Phong nắng và bức xạ nhiệt tốt nên sản lượng điện phát lên lưới tăng, góp phần đẩy sản lượng điện phát cả năm tăng. Còn với chủ đầu tư nhà máy điện gió thì nhờ gió tốt trong cả ban đêm nên được phát lên lưới được nhiều hơn và ít bị cắt giảm công suất như ban ngày.

Chuyện chưa phát tối đa công suất là tình hình chung ở Tuy Phong. Tuy nhiên, Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận cho rằng tùy từng dự án, trong năm 2021 có nhà máy có công suất phát điện tăng nhưng cũng có nhà máy có công suất phát điện giảm, dù cùng chung điều kiện gió và nắng tốt hơn năm trước.

Theo phân tích của những người quan tâm năng lượng, vấn đề khác nhau trên tùy thuộc vào việc sử dụng công nghệ cho nhà máy ở tầm nào, vì ngay cả tấm pin năng lượng mặt trời cũng có xếp hạng hiệu suất khác nhau, thể hiện ở khả năng chuyển đổi phần trăm năng lượng từ ánh sáng mặt trời thành điện năng. Dó đó,  nếu nhà máy nào sử dụng công nghệ tiên tiến, điều đó sẽ thành “bệ đỡ” trong cảnh khó khăn của năm 2021. Còn ngược lại, rơi vào cảnh lúc được phép phát thì lượng điện được chuyển lên lưới thấp nên mất cơ hội…

 Chủ đầu tư một nhà máy điện mặt trời ở Tuy Phong cho biết, ngay lúc đầu, đơn vị đã lựa chọn công nghệ sử dụng cho nhà máy từ các nhà cung cấp hàng đầu thế giới như Jinko Solar thuộc top 1 thế giới về tấm pin, Power Electronic thuộc top 10 thế giới về inverter và Daihen là một trong những nhà sản xuất hàng đầu tại Nhật Bản về máy biến áp công suất lớn. Nhờ công nghệ cao như vậy, đã góp phần quyết định tạo ra thuận lợi trong cảnh khó. Kết năm 2021, nhà máy có tổng sản lượng điện phát tăng 10% so năm 2020.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Sức mạnh” từ công nghệ cao