Theo dõi trên

Suối Nhum xưa và nay

16/11/2018, 09:04

BT- Tôi vẫn thích và quen gọi vùng đất thương thuộc này là Suối Nhum dù biết rằng năm 1986, xã Thuận Quý đã được thành lập, là đơn vị xã chính thức trực thuộc huyện Hàm Thuận Nam. Một phần cái tên Suối Nhum đã trở thành góc ký ức khó phai, nó bắt đầu một thời thanh xuân gian nan đến cùng cực của tôi. Các thế hệ học trò đầu tiên tôi dạy ở đây tuy giờ hầu hết đã thành đạt, đã trở thành cán bộ lãnh đạo xã hoặc trở thành những doanh nhân thành đạt nhưng vẫn đều đặn đến thăm tôi vào dịp Tết Nhà giáo (20/11) hằng năm. Suối Nhum đầu những năm 80 khác xa so với bây giờ, ngày đó không ai tưởng tượng nổi một vùng đất quá nghèo khổ, thiếu thốn như Suối Nhum lại có thể thay da đổi thịt nhanh chóng trở thành một khu phố biển sầm uất như ngày nay. 

                
Đường về Thuận Quý hôm nay.

6 bưng 1 suối

Nhớ những ngày đầu mới về đây nhận công tác, tôi cứ đi hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Không có con đường nào chính thức đàng hoàng để đến Suối Nhum cả. Tôi đi xe đạp đến Cây Khô rồi vác xe đạp trên vai băng lên động cát. Mồ hôi đã ướt hết áo, thở bằng cả mũi cả tai, tưởng qua động cát là tới, không ngờ cái triền cát bên kia kéo mãi 3, 4 cây số mới đến cây Dầu Ba điểm hẹn. Ông Ké Điểm trưởng đón tôi ở đây để dẫn đường về Suối Nhum, ông đỡ tôi được cái túi dết, còn xe đạp vẫn cưỡi tôi tiếp tục hành trình còn lại. Đoạn đường đất cứng ngoằn ngoèo ở giữa làng, nhà ông Ké đầu làng, vậy là tôi không có cơ hội để chuyển vị thế từ xe cưỡi người sang người cưỡi xe.

Về tới nhà ông Ké thì tôi thấy khoảng 5, 6 người đàn ông và khoảng chục người đàn bà đã tập trung ở đó. Một con bê đã ngã thịt bày sẵn dọc dài hiên nhà, quá nhiều thịt bê, lòng bê và các loại rau rừng trên lớp lá chuối tươi. Trong 3 cái gùi và chiếc nong tre góc  bếp vẫn còn cả cái đùi bê và thịt thà mà mấy người đầu bếp đang xắt xắt ướp ướp chuẩn bị cho món gì đó. Tôi vinh dự được mời vào ngồi bên tay phải ông Ké, ngỡ ngàng và vui thầm vì cảnh đón tiếp thầy giáo mới của dân làng trọng thị đến như vậy, bao nhiêu mệt nhọc trên đường đi đã tiêu tan tự lúc nào. Ly rượu trắng hôm đó thật đáng cho công sức tôi băng cát vượt rừng.      

Giờ đây, ngồi nhớ lại, quả thật tôi thấy ông Ké (Nguyễn Khải) là một con người rất đặc biệt, ông đã hết lòng vì cộng đồng của mình. Và sở dĩ tôi dông dài chuyện vừa rồi cũng chỉ để nói đến đặc tính tôn sư trọng đạo rất mực của người dân Suối Nhum mà ông Ké là người đại diện. Sau này, tôi còn gặp nhiều ông với tính cách như vậy như ông Bưởi, ông Bốc, ông Đẩu, ông Hựu, ông Ngộ… Họ là những nhân tố cần thiết để vực dậy một vùng quê đi lên từ hai bàn tay trắng, ngoài lòng nhân ra chính họ cũng đã ý thức rất sâu sắc về việc muốn quê hương phát triển phải có sự phát triển đồng bộ, trong đó nền tảng là phát triển văn hóa.

Khi đã ổn định nơi ở nơi dạy, tôi bắt đầu tìm hiểu về vùng đất này. Lúc ấy kiến thức mà tôi thu thập được thì đây chỉ là vùng đất 6 bưng 1 suối (bưng Cò Ke, bưng Giàn Xay, bưng Bí, bưng Quẹo, bưng Trường, bưng Kỳ Hào và Suối Nhum). Sau 5 năm dạy học ở đây tôi hình dung rõ hơn nhiều điều, thật ra nơi đây là một căn cứ cách mạng hình thành từ xa xưa, kể ra cụ thể nghe chừng khá dài, tôi chỉ xin tóm tắt vài mốc quan trọng.

Trước năm 1945, Thuận Quý thuộc làng Kim Thạnh, phủ Hàm Thuận. Tháng 2/1946, Ủy ban hành chính huyện Hàm Thuận và chia huyện thành 6 khu hành chính và ghép một số làng xã nhỏ thành 20 xã trong đó có cả làng Kim Thạnh. Khu I ranh giới từ Tú Luông đến Cửa Cạn, gồm cả phần đất đai dân cư Kim Thạnh và hình thành nên 3 xã Minh Quang, Minh Cảnh, Minh Thành. Xã Minh Cảnh là tên gọi mới hợp nhất làng Kim Thạnh và làng Bình Sum. Địa bàn xã mới dựa trên 5 xóm cũ của Kim Thạnh trở thành 5 thôn: Thôn Minh Phùng (xóm xẩm), thôn Minh Thắng (Quán Thùng), thôn Minh Cường (Bình Trị - xóm Biển), thôn Minh Châu (Bàu Trâm, Bàu Lớn), thôn Minh Khai (xóm Trạm, Khe Cả). Năm 1953, xã Tân Thành lại được chia thành 3 xã mới, trong đó xã Tân Tiến gồm các thôn Minh Phùng (Bưng Bí), Minh Cường (xóm Xẩm), Minh Phong (Suối Nhum)…

Khi tìm đến các vỉa tầng sâu xa của một vùng đất ta thường nối lại được cái mạch nguồn từ xa xưa đến ngày nay và thấy được sự hợp lý của đời sống, đúng theo quy luật nhân quả. Chẳng hạn cái truyền thống tôn sư trọng đạo mà tôi đã nhắc ở trên không phải tự nhiên mà có. Lúc ấy, toàn tỉnh có 6 trường văn hóa thì có 1 trường là Trường 5 (1948 -1951) do thầy Nguyễn Ngọc Trác (Mười Hạp) làm hiệu trưởng, đóng trên địa bàn xã Minh Cảnh. Các cơ quan, trường huấn luyện quân, trạm xá, binh công xưởng… lần lượt được tỉnh đưa về đóng trên địa bàn xã và quanh các xã lân cận. Chính những điều kiện đó đã tạo cho Minh Cảnh một vị trí quan trọng với Khu I, với huyện, tỉnh trong nguyên cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Khu I Tam Minh gồm 3 xã: Minh Quang, Minh Cảnh, Minh Thành là nơi nối liền giữa Phan Thiết, Hàm Thuận và Hàm Tân, có biển, bưng, rừng, núi, địa thế hiểm trở, thuận lợi cho lực lượng kháng chiến đứng chân chứ không chỉ “6 bưng 1 suối” như tôi hình dung ban đầu. Cuối năm 1949, huyện Hàm Thuận chuyển giao xã Minh Cảnh về huyện Hàm Tân và Minh Cảnh hợp với Minh Thành lập nên xã Tân Thành. Xã mới Tân Thành bao gồm cả Minh Cảnh được giữ nguyên đến năm 1952.

Năm 1954, giặc Pháp tái chiếm Bình Thuận, dân các nơi từ Phan Thiết, Tú Luông, Kê Gà vào Minh Cảnh lập làng kháng chiến. Nghe theo chủ trương của Đảng về việc bất hợp tác, vườn không nhà trống, dân chúng vào tụ cư nhiều nhất theo các bưng, các gộp: bưng Cò Ke, bưng Giàn Xay, bưng Bí, bưng Quẹo, bưng Trường, bưng Kỳ Hào, Suối Nhum, gộp Bà Đặng. Xã kháng chiến Kim Bình được bố phòng cẩn mật, các hầm, mương chông liên hoàn và có người canh gác ở 4 phía, muốn vào xã chỉ độc một con đường. Kim Bình ngày càng lớn mạnh, vững chắc, trở thành căn cứ kháng chiến, là nơi cung cấp nhiều nhân tài vật lực cho huyện, cho tỉnh. Các lực lượng dân quân chính thường về đây mở lớp huấn luyện, chỉnh quân. Trường luyện quân của tỉnh đóng ngay trên địa bàn xã tiếp nhận thanh niên các nơi về để huấn luyện bổ sung cho các đơn vị ngoài mặt trận, Binh công xưởng của trung đoàn 82 đóng ở gộp Bà Đặng hoạt động ngày đêm, Trạm giao bưu Tây Sơn được tỉnh bố trí ở Kê Gà, Ty giáo dục Bình Thuận đóng ở Minh Thành… không khí tích cực học tập, lao động, chiến đấu ấy đã ảnh hưởng rất lớn đến khí thế kháng chiến của nhân dân toàn xã Kim Bình.

Tháng 3/1979, xã Kim Bình tiếp nhận một số lớn dân di cư từ đảo Phú Quý vào hình thành nên khu kinh tế mới Suối Nhum. Lúc bấy giờ, xã Kim Bình trở thành điểm Suối Nhum trực thuộc xã Tân Thành, Điểm trưởng là ông Nguyễn Khải (ông Ké) mà tôi đã nhắc đến ở phần đầu.

Ngày 30/12/1982, theo Quyết định số 204-HĐBT, ranh giới một số huyện trong tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận) được phân định lại, trong đó huyện Hàm Thuận được chia thành 2 huyện: Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Tháng 6/ 1983, huyện mới bắt đầu hoạt động, điểm Suối Nhum (Tân Thành) thuộc huyện Hàm Thuận Nam.

Theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng số 73/HĐBT, ngày 20/6/1986, xã Thuận Quý được thành lập chính thức và giữ nguyên cho tới ngày nay.  Xã được chia lại thành 3 thôn: Thuận Minh, Thuận Thành và Thuận Cường thay cho 8 đội cũ.

Đa phần là những ngư dân vốn quen với biển và kinh tế biển nhưng trong điều kiện mới dân chúng phải nỗ lực tìm hiểu, làm quen với rừng rẫy và nghề nông. Ông Võ Văn Trường, hiện là Bí thư Đảng bộ, kể chuyện dân làng mới, một hôm nghe tiếng kẽo kẹt lạ tai ngoài bìa rừng nghi là thú lớn nên vội tập hợp nhau lại, người nào cũng lăm lăm dao rựa nằm phục ở các bụi rậm đầu làng để tấn công ngăn chặn, bảo vệ dân làng. Tiếng “nghiến răng ken két của con thú lớn” càng lúc càng tới gần ai cũng sợ hãi, hồi hộp nhưng tính mạng cả làng nên sẵn sàng đợi lệnh sẽ đồng loạt tấn công. Con thú tới gần hơn nữa nhô lần ra khỏi những lùm cây mọi người mới ồ lên, hóa ra là chiếc xe trâu bánh gỗ và ông Trường chính là cậu trai ngồi trên xe đang xanh mặt vì không hiểu lý do gì mà dân làng dao rựa trên tay lấp ló bao quanh… Kể lại câu chuyện có thật mà vui để thấy Suối Nhum lúc ấy còn khá hoang vu, tổng số dân chưa tới 1.000 người, tính cả dân làng cũ lẫn dân mới. 

 (Còn nữa)

Bút ký:  Nguyễn Tân Hải



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Suối Nhum xưa và nay